Kỹ thuật trồng rừng keo lai nuôi cấy mô thâm canh
Công nghệ nuôi cấy mô là một mắt xích không thể thiếu trong ngành công nghiệp trồng rừng năng suất cao vì nó là phương tiện đắc lực giúp con người mang lại hiệu quả ngày càng cao trong kinh doanh rừng trồng. Cây giống nuôi cấy mô được sản xuất có quy mô, cho năng suất cao, chất lượng tốt và giữ được những đặc tính di truyền quý của giống gốc.
*/ Giới thiệu kỹ thuật trồng rừng keo lai nuôi cấy mô thâm canh
1. Xử lý thực bì:
Mô hình trồng rừng keo lai nuôi cấy mô thâm canh thực bì được xử lý toàn diện theo lô, gốc phát không chừa cao quá 10cm. Trước khi đào hố phải dọn sạch thực bì và đưa ra khỏi khu vực trồng rừng, trên hàng trồng hố đào bố trí cách đều nhau, cây trồng trên 2 hàng cạnh nhau bố trí theo hình nanh sấu và chạy song song với đường đồng mức.
2. Bố trí mật độ trồng:
Trồng rừng keo lai nuôi cấy mô thâm canh mật độ trồng: 2.000 cây/ha (cây cách cây 2 mét, hàng cách hàng 2,5 mét)
3. Làm đất và bón phân trồng rừng:
Tiến hành cuốc cục bộ 1m2 và đào hố trồng cây ở giữa diện tích cuốc cục bộ, kích thước hố đào 30 x 30 x 30cm. Khi đào để lớp đất mặt 1 bên và lớp đất dưới 1 bên miệng hố. Lấp hố và bón phân được thực hiện sau khi đào hố xong từ 10 đến 15 ngày, trước khi lấp phải nhặt sạch đá lẫn, rễ cây và cỏ, cho lớp đất mặt xuống trước bỏ phân vào trộn đều xong cho lớp đất dưới xuống sau và lấp đầy hố theo hình mâm xôi.
Liều lượng phân bón: Phân NPK bón lót khi lấp hố là 0,2kg/hố và bón thúc chăm rừng lần 2 hàng năm là 0,2kg/cây.
4. Trồng rừng:
4.1. Thời vụ trồng rừng: Từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 31 tháng 12 dương lịch, không trồng trong những ngày nắng to, mưa lớn.
4.2. Phương thức trồng: Trồng rừng thuần loại.
4.3. Phương pháp trồng: Cây con được tạo trong túi bầu P.E nguyên sinh.
5. Tiêu chuẩn cây con:
Giống có nguồn gốc và xuất xứ rỏ ràng, được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Cây sinh trưởng tốt, không cong queo, sâu bệnh, cụt ngọn….
– Keo lai nuôi cấy mô có thời gian nuôi dưỡng và huấn luyện trong vườn ươm từ 3 tháng tuổi trở lên, Hvn = 2,5 – 30cm, đường kính cổ rễ từ 0,25 – 0,3cm.
6. Vận chuyển cây con và trồng cây:
6.1. Vận chuyển cây con:
Cây con được tạo trong vườn ươm khi vận chuyển cây đi trồng không được làm tổn thương cơ giới đến cây, nên vận chuyển cây trong những ngày râm mát, tránh sự va đập giữa các cây với nhau.
6.2. Trồng cây:
Dùng cuốc hoặc bay moi giữa tâm hố sao cho lỗ moi sâu hơn túi bầu, dùng dao rạch bỏ túi bầu đặt bầu cây vào ngay ngắn cho đất mịn vào xung quanh dùng tay ép chặt đất xung quanh sát với bầu cây, vun thêm đất mặt vào quanh gốc cây theo hình mâm xôi và cao hơn cổ rễ cây trồng từ 2 – 3cm. Sau khi trồng từ 10 – 15 ngày phải tiến hành kiểm tra chỉnh sửa lại những cây nghiêng ngã, trốc gốc và trồng giặm lại những cây bị chết, những hố còn bỏ sót chưa trồng.
7. Chăm sóc, bảo vệ:
7.1. Chăm sóc:
Rừng Keo lai nuôi cấy mô được chăm sóc 3 năm liên tục, 2 năm đầu mỗi năm chăm sóc 2 lần, năm thứ ba chăm sóc 1 lần.
*/ Nội dung chăm sóc:
– Năm thứ nhất: Chăm sóc 2 lần/ năm.
+ Lần 1: Thực hiện vào tháng 4 – 6. Phát dọn sạch thực bì theo lô trồng, cắt bỏ dây leo bu bám thân cây, giẩy cỏ cuốc vun gốc 1m2 quanh gốc cây trồng.
+ Lần 2: Thực hiện vào tháng 9 – 12. Phát dọn sạch thực bì theo lô, cắt bỏ dây leo bu bám thân cây, giẩy cỏ cuốc vun gốc 1m2 quanh gốc cây, trồng giặm cây chết, cây bị mất để đảm bảo mật độ ban đầu, đào hai rãnh sâu 20cm, dài 30cm đối diện nhau và cách gốc 25cm. Bón thúc 200g NPK trộn đều phân với đất nhỏ, bỏ đều 2 rãnh rồi lấp đầy rãnh.
– Năm thứ 2: Chăm sóc 2 lần/ năm.
+ Lần 1: Thực hiện vào tháng 4 – 6. Phát dọn sạch thực bì theo lô, cắt bỏ dây leo bu bám thân cây, giẩy cỏ cuốc vun gốc 1m2 quanh gốc cây trồng.
+ Lần 2: Thực hiện vào tháng 9 – 12. Phát dọn sạch thực bì theo lô, cắt bỏ dây leo bu bám thân cây, giẩy cỏ cuốc vun gốc 1m2 quanh gốc cây trồng. Đào hai rãnh sâu 20cm, dài 30cm đối diện nhau, lệch với hai rãnh đã đào lần trước và cách gốc cây 35cm để bón thúc sinh trưởng cho cây. Bón thúc 200g NPK trộn đều phân với đất nhỏ, bỏ đều cho 2 rãnh rồi lấp đầy rãnh.
– Năm thứ thứ 3: Chăm sóc 1 lần/ năm.
Thực hiện vào tháng 9 – 12. Phát dọn sạch thực bì theo lô, cắt bỏ dây leo bu bám thân cây, giẩy cỏ cuốc vun gốc 1m2 quanh gốc cây trồng.
7.2. Chặt nuôi dưỡng rừng
Rừng trồng đều tuổi phải được nuôi dưỡng từ khi rừng non khép tán đến trước kỳ khai thác 3 – 5 năm. Biện pháp nuôi dưỡng chủ yếu là chặt tỉa thưa. Được áp dụng các biện pháp tỉa cành, bón phân, xử lý đất.
*/ Nuôi dưỡng rừng trồng đều tuổi phải đạt được các mục tiêu sau:
1. Điều chỉnh và tạo mật độ hợp lý cho từng giai đoạn tuổi; để rừng đạt năng suất và giá trị thương phẩm cao.
2. Loại trừ cây phẩm chất xấu, cây sâu bệnh, cây chèn ép.
3. Rút ngắn chu kỳ kinh doanh với điều kiện không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cuối cùng.
4. Tận dụng được sản phẩm trung gian tương xứng với đầu tư và bảo đảm được yêu cầu sử dụng đất bền vững.
*/ Việc bài cây chặt nuôi dưỡng phải tuân thủ theo nguyên tắc sau:
1. Đối tượng nuôi dưỡng là những cây sinh trưởng bình thường, có phẩm chất tốt, tán lá cân đối, ít cành mắt lớn, không có biểu hiện sâu bệnh và phân bố đều.
2. Đối tượng bài chặt là những cây sinh trưởng xấu, sắp bị đào thải, cong queo sâu bệnh, cụt ngọn và cây kém giá trị kinh tế, cây nhiều mắt cành đang chèn ép cây mục đích.
*/ Chặt nuôi dưỡng phải tiến hành các yêu cầu sau:
1. Mùa chặt tốt nhất là trước mùa sinh trưởng. Số lần chặt từ khi rừng non khép tán đến lúc khai thác, đối với rừng kinh doanh gỗ lớn là 1-3 lần và đối với rừng kinh doanh gỗ nhỏ là 1-2 lần. Trường hợp đặc biệt, với chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc rừng có mật độ hợp lý thì không cần chặt.
2. Phải đảm bảo cho rừng có mật độ hợp lý, tán cây mục đích có đủ không gian dinh dưỡng nhưng không tạo ra khoảng trống lớn trong mỗi lần tỉa.
*/ Cường độ chặt theo 3 mức độ sau:
Mạnh: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính.
Trung bình: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng 1/2 đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính.
Yếu: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng 1/3 đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính.
Chú ý:
+ Trong mỗi hàng: Liên tiếp cứ 1 cây để lại nuôi dưỡng thì 1 cây chặt tỉa thưa.
+ Giữa các hàng kế tiếp nhau: Cây để lại nuôi dưỡng và cây chặt tỉa thưa lệch nhau theo hình nanh sấu.
Cần thực hiện tỉa thưa trước mùa sinh trưởng.
Việc tỉa thưa ở các lần và khai thác sản phẩm trung gian không làm tổn thương, ảnh hưởng đến các cây để lại nuôi dưỡng, Khi tỉa thưa lần 2 phải dùng dây thừng khi hạ cành ngọn và thân cây.
*/ Thời điểm, số lần và cường độ chặt phải xác định cụ thể tuỳ theo đặc điểm sinh thái loài cây, điều kiện lập địa, mật độ và mục tiêu sản xuất.
Riêng với loài cây ưa sáng mọc nhanh có trục thân thẳng, cần tỉa sớm và mạnh.
Nghiêm cấm việc lợi dụng chặt nuôi dưỡng để khai thác lạm dụng lâm sản.
*/ Phải tổ chức tốt việc giám sát kiểm tra trong quá trình thực hiện và tiến hành nghiệm thu sau khi hoàn thành chặt nuôi dưỡng. Các tác động kỹ thuật nuôi dưỡng rừng phải được ghi chép đầy đủ trong hồ sơ quản lý rừng.
Mỗi đối tượng hay công thức xử lý phải để lại 0,5-1,0ha làm đối chứng rút kinh nghiệm.
7.3. Quản lý và bảo vệ rừng trồng:
Sau khi trồng rừng khâu quản lý bảo vệ cũng rất quan trọng quyết định đến sự thành rừng hay không thành rừng.
– Phòng trừ sâu bệnh hại rừng: Thường xuyên đi thăm rừng, kiểm tra rừng để phát hiện ra các tác nhân sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Nếu có sự xuất hiện sâu bệnh trên diện rộng không thể xử lý được thì cần báo cho cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời tránh gây thiệt hại nghiêm trọng đến rừng trồng.
– Phòng chống cháy rừng và các tác nhân phá hoại rừng:
+ Phòng chống cháy là công tác rất cần thiết vào mùa nắng có ẩm độ thấp phải tạo các đường ranh cản lửa, chú ý phát hiện các tác nhân gây cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn.
+ Cấm chăn thả trâu bò vào rừng khi rừng còn nhỏ (dẫm đạp, cắn phá, cà cây)
+ Cấm người vào chặt phá và bẻ cây rừng.
+ Thường xuyên tuần tra canh gác nhằm phát hiện các tác nhân phá hoại rừng để ngăn chặn kịp thời, phối hợp với Chính quyền địa phương và Hạt kiểm lâm sở tại ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến rừng.