Kỹ thuật trồng ớt Tiela hiệu quả cao
Chuẩn bị đất
Làm sạch cỏ, cày bừa đất tơi xốp, lên luống thoát nước, bón 30-50 kg vôi/1.000m2. Sau khi bón vôi 10-15 ngày thì tiến hành bón lót, lên luống. Ở khu vực miền Nam có thể sử dụng luống sẵn có, cần bón vôi bổ sung để cải tạo đất.
Khoảng cách trồng: hàng cách hàng 0,8-1,2 m. Cây cách cây 0,4-0,5 m.
Ươm cây con
Lượng hạt cần cho 1.000m2: Khoảng 20-25 g (4-5 gói), riêng khu vực Tiền Giang do tập quán trồng dày nên cần 30-35 g (6-7 gói).
Nên gieo hạt trong vườn ươm hoặc trong khay. Trước khi trồng một tuần, cần “luyện” cho cây con cứng cáp bằng cách tháo hết lưới che cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Để cây bắt đầu hơi héo mới tưới nước và mỗi lần tưới cần tưới thật đẫm.
Trồng cây con từ 20-30 ngày tuổi. Nên tưới đẫm nước trước khi trồng 2-3 giờ.
Bón phân
Tùy thuộc vào điều kiện đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng bón cho thích hợp. Dưới đây là lượng phân bón tham khảo cho 1.000m2:
+ Bón lót: 2-3 m3 phân chuồng, có thể thay thế bằng các loại phân hữu cơ sinh học hoặc hữu cơ vi sinh, 10-15 kg NPK 16-16-8, 30-50 kg super lân
+ Bón thúc lần 1 (sau trồng 20-25 ngày): 20-25 kg NPK 16-16-8, 3-5 kg urê, 2-3 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.
+ Bón thúc lần 2 (sau trồng 40-50 ngày): 20-25 kg NPK 16-16-8, 3-5 kg urê, 7-9 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.
+ Bón thúc lần 3 (sau khi thu 2-3 lứa): 15-20 kg NPK 16-16-8 + 3-5 kg urê và 7-9 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.
Kết hợp các lần bón phân với vun gốc. Giai đoạn đầu nếu rễ kém phát triển, sử dụng thêm các loại phân kích thích rễ để tưới hoặc phun như Roots 2, Orgo Root, Bio 8…
Ruộng ớt Tiela trong giai đoạn ra hoa
Chú ý: Có thể sử dụng thêm phân bón lá có chứa Ca và các chất vi lượng. Khi sử dụng phân bón lá cần chú ý hàm lượng đạm, lân, kali ghi trên bao bì. Giai đoạn cây mang trái thì không sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao, nhất là trong mùa mưa vì sẽ tăng bệnh thán thư (nông dân thường gọi là nổ trái). Lúc cây ra hoa nên phun CaCl2 hoặc CaBo theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu hại:
+ Bọ trĩ, rầy mềm, nhện đỏ, bọ phấn chích hút: Cần phòng ngừa bằng cách dọn sạch cỏ dại, tỉa bớt cành nhánh để cây được thông thoáng, hạn chế điều kiện ẩn nấp của rầy và dễ xịt thuốc. Xịt thuốc ngay khi phát hiện trên ruộng có các côn trùng chích hút bằng các loại thuốc như: Confidor, Radian, Voliam targo, Actara… Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh kháng thuốc, không nên pha trộn nhiều thuốc để phun.
+ Các loại sâu ăn lá và sâu đục trái (sâu xanh, sâu ăn tạp…). Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, phun các loại thuốc: Nockthrin, Proclaim, Voliam targo…
Bệnh hại:
+ Để phòng trừ bệnh hại cần chú ý bón phân đầy đủ và cân đối, trồng với mật độ vừa phải, vệ sinh đồng ruộng cho thông thoáng, làm đất tơi xốp, thoát nước tốt, kịp thời cắt bỏ và tiêu hủy phần cây bị bệnh để tránh lây lan.
+ Bệnh héo xanh do vi khuẩn: Để phòng ngừa cần đảm bảo đất thoát nước tốt. Khi phát hiện cây có triệu chứng nhiễm bệnh cần nhổ bỏ và tiêu hủy, rải vôi nơi cây bị bệnh. Cần luân canh với các cây không thuộc họ cà như bắp, đậu, các loại rau ăn lá, lúa…
+ Bệnh thán thư: Dùng luân phiên các loại thuốc trừ nấm như Ridomil gold, Score, Amistar, Amistar top…
+ Bệnh cháy lá, thối ngọn: Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa. Sử dụng các loại thuốc diệt nấm như Mancozeb, Kasuran, Ridomil gold, Score, Revus opti, Amistar top…