Kỹ Thuật Trồng Nho Rượu Giống Nho Làm Rượu
Hiện nay có nhiều giống nho làm rượu vang, mỗi giống có đặc trưng về màu, mùi, vị khác nhau. Căn cứ điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai và nhu cầu tiêu thụ chúng tôi xin giới thiệu một số đặc điểm cơ bản hai giống nho làm rượu được tỉnh ta chọn trồng.
1. Giống Shiraz: Là giống nho làm rượu vang đỏ, thời gian từ trồng đến tạo cành 4-6 tháng, từ cắt cành đến thu hoạch khoảng 90 ngày; cây có sức sống mạnh, lá nhỏ phân thùy sâu, màu xanh đậm hơi nhám, có nhiều lông; có khả năng kháng sâu bệnh cao; chùm trái hình trụ dài, trái nhỏ 2-3 g, tròn, màu đỏ tím, số trái trên chùm nhiều 114-120 trái, năng suất cao 110-120 tạ/ha/vụ; độ Brix 15 -18, cắt cành được 3 vụ trong năm.
2. Giống Sauvignon Blanc: Là giống nho làm rượu vang trắng và Champagne, thời gian từ trồng đến tạo cành 4-6 tháng, từ cắt cành đến thu hoạch khoảng trên 90 ngày, cây có sức sống mạnh, lá nhỏ phân thùy sâu, màu xanh hơi nhạt có lông; có khả năng kháng sâu bệnh cao; chùm trái hình trụ, trái nhỏ 2-3 g, tròn, màu xanh vàng khi chín, số trái trên chùm nhiều 90-120 trái, năng suất 70-100 tạ/ha/vụ; độ Brix 15-18, cắt cành được 3 vụ trong năm.
I. Giai đoạn cây con
1.Chọn đất:
– Đất nhẹ từ cát pha đến thịt trung bình; diện tích tương đối lớn.
– Đất cao không úng nước mùa mưa và đủ nước tưới mùa khô.
2. Chuẩn bị đất:
– Đất được cày (cuốc) sâu 25-30 cm, bừa kỹ, phơi ải, sạch cỏ dại;
– Đánh hàng: Hàng cách hàng 2m, hố cách hố 1,6-1,8m, hố rộng 40cm, sâu 40cm. Cho vào hố hỗn hợp đất mặt + phân hữu cơ hoai mục + phân lân vi sinh + vôi bột theo tỷ lệ (100:10: 0,5: 0,5) trước trồng 15 -20 ngày.
3. Trồng
3.1.Thời vụ: Tốt nhất trồng từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 2.
3.2. Mật độ- khoảng cách :
– Mật độ: Trồng dày, khoảng 2.700- 3.100 cây/ha;
– Khoảng cách: Hàng cách hàng: 2m, cây cách cây: 1,6-1,8m,
3.3. Kỹ thuật trồng ( trồng cây ươm trong bầu)
– Sửa hàng, đánh rãnh thẳng và bằng phẳng;
– Chuyển cây đến vị trí đã bón phân lót, đào hố sâu 25cm, xé bịch nilon cho bầu vào hố, lấp đất, nén chặt;
– Trồng vào chiều mát, và tưới nước sau trồng;
– Cắm cây choái, và buộc cây nho bằng dây mềm.
4. Chăm sóc:
4.1. Tưới nước: Trong giai đoạn này cây cần đủ ẩm; tùy điều kiện thời tiết 4-7 ngày tưới 1 lần; Khi tưới nước không để ngập mặt đất trên gốc.
4.2. Bón phân: 10-15 ngày sau trồng bắt đầu bón phân, bón 1 muỗng cà phê phân urê cho mỗi gốc lúc theo nước, sau đó cứ 10 ngày bón 1 lần, lượng bón tăng dần lên 2-3 muỗng cà phê lúc cây lớn.
4.3. Làm cỏ xới xáo: 20 ngày sau trồng tiến hành xới xáo làm cỏ và qua đất mép; sau 1 tháng tiến hành xới xáo, làm cỏ 1 lần; xới nhẹ trước khi bón phân, tưới nước để hạn chế mất phân, kích thích ra rễ.
4.4. Thường xuyên tỉa chồi nách, tỉa tua, buộc cây nho con vào cây choái.
5. Ghép :
– Khi cây nho cao 80-100 cm tiến hành ghép, áp dụng kỹ thuật ghép nêm ngọn, vị trí ghép cách gốc 50 cm, ghép vào sáng sớm hoặc chiều mát;
– Mắt ghép bảo đảm đúng giống, sạch bệnh; không ghép giống không rõ nguồn gốc.
6. Tạo cành
– Khi cây vượt giàn 10 cm, bấm ngọn sát mặt giàn tạo 2-3 cành cấp I to khỏe đều nhau; mỗi cành cấp I tạo 8-10 cành cấp II; cành cấp II dài khoảng 100 cm.
– Để các cành to khỏe đều nhau và phân bố đều trên mặt giàn nên bố trí cành cấp II thẳng góc với cành cấp I.
II. Giai đoạn thu hoạch:
1.Tạo luống:
Khi cây nho bước vào giai đoạn tạo cành cấp II, dùng cuốc vun hai mép hàng để tạo luống nho nổi; Lúc này phân bón và nước được đưa vào 2 bên mép rãnh cung cấp cấp cho cây.
2. Cắt cành:
– Các giống nho rượu có thời gian từ cắt cành đến thu hoạch khoảng 90 ngày, chọn thời điểm cắt cành sao tránh thời tiết bất lợi lúc nho ra bông, đậu trái;
– Tùy vụ, kỹ thuật cắt cành có khác nhau, để bộ khung cành không quá dài; vụ đông-xuân cắt cành già hơn các vụ khác trong năm.
3. Bón phân:
3.1. Lượng phân bón (cho 1 ha/vụ)
– Phân chuồng hoai mục:10- 20 tấn
– Vôi bột: 1.000 kg
– Phân đạm (urê): 500 kg
– Phân lân (Super Lân):1.000 kg
– Phân kali: 500 kg Tỷ lệ N:P2O5:K2O = 1:0,7:1,4 (Có thể thay thế bằng các loại phân hỗn hợp có hàm lượng tương đương).
3.2. Thời kỳ bón:
– Đợt 1: Sau thu hoạch 7-10 ngày, tiến hành làm cỏ, cuốc đảo đất để cắt các rễ già, thúc đẩy rễ non mọc ra; bón phân lót: 100% phân chuồng + 100% vôi + 20% đạm + 50% lân + 10% kali;
– Đợt 2: Sau cắt cành 7 ngày, xới xáo nhẹ lớp đất mặt, bón 20% đạm + 20% lân + 10% kali;
– Đợt 3: Sau cắt cành 30 ngày, bón 10% đạm + 20% lân + 10% kali;
-Đợt 4: Sau cắt cành 45 ngày, bón 30% đạm + 10% lân + 10% kali;
– Đợt 5: Sau cắt cành 55 ngày, bón 10% đạm + 20% kali;
– Đợt 6: Sau cắt cành 70 ngày, bón 10% đạm + 40% kali;
Bón phân kết hợp xới nhẹ đất để trộn phân vào đất và tưới nước. Ngoài ra, phun các loại phân vi lượng, làm ngọt trái… qua lá.