Kỹ thuật trồng nấm mèo trên bã mía
1. Trồng nấm mèo trong túi bã mía:
Sơ đồ quy trình:
– Bước 1: Xử lý nguyên liệu
Bã mía khô tạo ẩm bằng nước vôi có pH 13, trọng lượng đóng ủ > 300 kg giúp hạn chế một phần mầm bệnh.
– Bước 2: Ủ đống
Bã mía sau khi tạo ẩm, ủ thành đống, phía dưới phải lót kệ lót, chính giữa có một cột thông hơi và dùng nilong quây xung quanh đống ủ. Trong quá trình ủ, nhiệt độ đống ủ tăng cao (60o- 80oC), cũng góp phần diệt nhiều vi sinh vật có hại. Quá trình ủ cũng làm nguyên liệu hút ẩm đồng đều hơn, cũng tạo nhiều thuận lợi cho việc khử trùng. Thời gian ủ từ 5 – 10 ngày.
– Bước 3: Đảo đống ủ
Phương pháp đảo: Đảo lớp trong ra ngoài, lớp ngoài vào trong, lớp trên cùng đảo xuống dưới và lớp dưới đảo lên trên.
Ủ lại như ban đầu kéo dài 5 – 10 ngày.
– Bước 4: Bổ sung dinh dưỡng, đống túi.
Sau khi ủ đủ thời gian, đảm bảo đống ủ sinh nhiệt, phối trộn chất dinh dưỡng: 2 % cám bắp, 3% cám gạo, 1% bột nhẹ (Có thể có hoặc không, nếu bổ sung thêm : N-P-K (15-30-15), Urê, DAP, SA liều lượng không quá 5%o, MgSO4 1 – 2%o).
Đóng túi: dùng túi 19 x 35 cm lộn đáy túi, trung bình mỗi túi nặng 1,2 – 1,5 kg/túi.
– Bước 5: Hấp thanh trùng, cấy giống
Phương pháp khử trùng phổ biến hiện nay là dùng nhiệt ẩm (có hoặc không có áp suất) và cần thiết bị tương ứng. Dù phương pháp nào cũng đều phải đảm bảo nhiệt độ và thời gian khử trùng thích hợp. Một vài nơi còn sử dụng thùng phuy, nắp đậy được làm bằng nhựa và bao bố ướt, nhiệt độ các nồi này thường không cao, khoảng 85 – 90oC, do đó, phải kéo dài 5 – 6 giờ. Nhiều nơi khác, hệ thống nấu dùng chảo có vỏ bọc bằng tôn, sắt, xi măng … dạng hình khối hộp, cửa mở ra trước mặt. Nhiệt độ nồi thường không cao, khoảng 95o – 100oC, thời gian hấp từ 3 – 4 giờ.
Sau khi hấp xong, để nguội
Phương pháp cấy giống: Cấy bề mặt.
Bước 6: Ươm sợi
Túi được cấy xong, chuyển vào phòng ươm, thời gian ươm kéo dài 20 – 30 ngày. Trong thời gian ươm sợi nên kiểm tra độ ẩm trong phòng, chỉ nên tưới nước nền tạo ẩm.
Bước 7: Chăm sóc, thu hái
Khi sợi nấm ăn kín đáy, túi có màu trắng đồng nhất, lúc này chúng ta tháo bỏ nút bông và tiến hành rạch túi, trung bình mỗi túi rạch 6 – 8 vết, 4 – 6 ngày sau khi rạch túi, từ trong các vết rạch này bắt đầu xuất hiện những nấm con, lúc này tiến hành tưới trực tiếp vào nấm con.
Trung bình tưới 2 – 3 lần/ngày. Cứ chăm sóc như vậy đến khi hái đợt thứ 2 – 3, sau mỗi lần thu hái nên tiến hành nén túi để tăng thêm độ dinh dưỡng cho nấm. Hiện nay, với một bịch 1,5 kg có thể thu được trung bình từ 70- 90g nấm mèo khô.
2. Một số bệnh thường gặp ở nấm mèo
– Bệnh sinh lý:
Nấm mèo có thể biểu hiện một số bệnh không do nhiễm khuẩn như: tơ thưa, sợi nấm mãnh, đầu hơi uốn khúc hoặc cuộn lại; tai nấm tạo cuống dài, kết chùm bông cải, tai khô cứng, đổi màu sậm hoặc màu nhạt, mỏng manh, mau già… Các biểu hiện trên thường liên quan đến yếu tố môi trường, như nơi trồng bị yếm khí (ngộp), nước tưới bị phèn, bị chua, nhiệt độ cao, thiếu ánh sáng, bị lạnh đột ngột..
– Bệnh nhiễm
Phổ biến là do vi khuẩn, nấm bệnh… Tuy nhiên, côn trùng, tuyến trùng và nhện mạt (mites) cũng là đối tượng gây thất thu nặng, chúng ăn và cắn phá tơ nấm, lây nhiễm vi khuẩn, nấm mốc… Có thể diệt chúng bằng các thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi,
* Phòng bệnh
Là vấn đề lớn hiện nay, nhất là khi phong trào trãi rộng, nhà nhà trồng nấm. Với số lượng bịch nuôi trồng lớn và trồng quanh năm, nếu không có biện pháp phòng bệnh tốt, thì khó đạt được kết quả. Việc phòng bệnh bao gồm:
– Chọn giống khoẻ
– Xử lý và khử trùng tốt nguyên liệu.
– Giữ môi trường nơi nuôi trồng thật vệ sinh. Nên rửa bịch trước khi rạch 2 giờ.
– Hạn chế sử dụng thuốc sát trùng trực tiếp lên nấm.
– Chỉ nên phun thuốc trừ sâu bệnh trước và sau khi nuôi trồng.
– Nên phân lô (bịch tốt, bịch xấu) để tiện chăm sóc.