Kỹ thuật trồng nấm đông cô trên gỗ khúc
1. Nguyên liệu: Nấm đông cô có thể trồng trên nhiều khúc gỗ khác nhau, chủ yếu là cây lá rộng. Những cây được xem là thích hợp nhất thuộc họ dẽ (Fagacea) bao gồm các giống sồi (Quercus), thuộc họ duyên mộc (Betulacea).
Tùy loại gỗ mà phẩm chất nấm cũng khác nhau. Chẳng hạn cây sồi cho nấm dày, ngon, tai to; cây dẻ cho tai nhỏ thịt mỏng nhưng số tai nhiều. Đối với cây có kích thước lớn thì thời gian ra nấm kéo dài và tai nấm cũng to hơn. Ngoài ra, cùng một kích thước, nhưng đời sống cây dẻ thường ngắn hơn. Thí dụ, cây có đường kính từ 6 – 7cm, thời gian nấm phát sinh là 4 – 5 tháng, nhưng thời gian nuôi trồng chỉ 3 năm. Tuổi cây cũng liên quan đến thời gian phát sinh nấm, cây già trên 30 năm thì phải cần 1 – 2 năm mới ra nấm, nhưng thời gian nuôi trồng kéo dài từ 4 – 8 năm. Cây được đốn vào thời kỳ bắt đầu vàng lá (mùa thu) cho đến khi nấm non khởi sự nhú ra (mùa xuân). Cây sồi đốn vào mùa đông thường chứa từ 45 – 55% hàm lượng nước, ẩm độ này thích hợp cho tơ nấm đông cô sinh sôi nảy nở. Tốt nhất là cây đốn xong nên đục lỗ cấy giống ngay.
Việc sử dụng cây tươi để trồng nấm có những điểm thuận lợi sau: Dễ đục lỗ hơn. ít bị nhiễm tạp. Nụ nấm phát sinh sớm. Nếu cây đốn xuống chưa làm ngay thì không nên chặt cành cưa khúc hoặc đục lỗ, hay nhất là để nguyên và cất vào nơi mát. Trường hợp cây bị khô, khi sử dụng phải làm ẩm trở lại. Các khúc cây ngâm 24 giờ trong nước vớt lên và dựng đứng một ngày, rồi mới đục lỗ cấy giống.
2. Đục lỗ cấy giống
Cây dùng trồng nấm được cưa thành khúc 1 -1,2m và tùy theo đường kính cây mà số hàng lỗ đục trên gỗ khúc nhiều hay ít, thông thường cây 1m đường kính khoảng 15cm thì từ 12 – 14 lỗ. Trường hợp đường kính trên 20cm thì từ 18 – 20 lỗ. Nghĩa là mỗi hàng trung bình có 3 – 4 lỗ và các lỗ của hai hàng kế tiếp thì so le nhau. Thực tế, nếu số lỗ nhiều, thời gian phát nấm sớm hơn) nhưng tốn nhiều công cũng như giống. Để tạo lỗ, có thể dùng búa chuyên dùng hoặc khoan (xem phần trồng nấm mèo) Cũng cần lưu ý là tơ nấm đông cô mọc trên gỗ rất chậm, phải mất từ 5 – 6 tháng để lần được từ 23 – 30cm và ăn sâu 5 – 6cm (so với điểm cây). Do đó các lỗ nên đục cách nhau, từ 20 – 25cm là thích hợp, đường kính và độ sâu của lỗ còn tuỳ thuộc vào loại giống.
– Giống dạng con nêm: dựa theo kích thước của từng lõi gỗ làm giống mà đục lỗ thích hợp để chêm vào.
– Giống bằng mạt cưa: lỗ nên rộng 1 – 1,5cm và sâu 2 – 2,5cm, nếu cây vỏ dầy có thể cấy sâu hơn để tránh giống cấy cạn, dễ khô và lâu ăn vào gỗ. Giống chưa già sử dụng không tốt, nhất là đối với giống bằng mạt cưa. Thường bề mặt bịch giống trắng đều, vẫn phải kiểm tra bên trong. Mạt cưa bẻ ra màu có màu vàng dùng ngón tay nhấn thử, nếu đàn hồi là được, ngược lại thì giống chưa tới, cần ủ thêm. Trường hợp dùng miếng gỗ con nêm, có thể bề mặt tơ phủ trắng, nhưng muốn chắc ăn cũng nên kiểm tra bằng cách chẻ đôi và quan sát bên trong, nếu thấy tơ hoặc gỗ đổi màu là được.
Đôi khi nấm giống quá già mặt ngoài phủ một lớp màu nâu trà, lớp này sẽ không tái sinh và không ích lợi cho gieo giống. Tuy nhiên, nó lại giúp bảo quản giống được lâu hơn (trừ phi lớp này quá lâu, và chỉ cần tách bỏ trước khi cây giống vào gỗ khúc. Còn với gỗ miếng, nó tạo thành như lớp màng và bong ra khi đóng vào cây.
Giống lấp đầy các lỗ và đậy lại bằng những miệng gỗ mỏng làm nắp giống con nêm đóng vào và không cần nắp. Sau đó, phủ mặt bằng sáp đen cầy (paraffin).
3. Nuôi ủ tơ
Gỗ khúc, sau khi cấy giống được chất vào chỗ thích hợp để nuôi ủ. Cách chất tương tự như ủ gỗ khúc ở nấm mèo, nghĩa là thành khối vuông cao từ 1 – l,5m. Nơi đặt khối ủ nên chọn mặt đất khô ráo, tránh nền đất ẩm ướt, tích tụ nhiều lá cây rơi rụng hoặc bị gió lùa. Để giữ ẩm nên che chắn bảng rơm bó (ngoài trời) hoặc vải bạt (ngoài trời hoặc trong nhà nhiều nơi nuôi trồng trong rừng, dưới các tán cây có thể xếp theo kiểu đứng và phủ cây lá xung quanh để che chắn. Cách xếp này đơn giản có thể thực hiện nơi đất không bằng phẳng, quá khô hay quá ẩm, nên được dùng tương đối rộng rãi. Đầu tiên đóng hai cọc gỗ cao từ 50 – 60cm, hai cọc nối nhau bởi một thanh ngang. Các khúc gỗ đem ủ gác đầu lên thanh ngang theo thứ tự đối xứng ở hai bên. Nơi đất ẩm, thanh ngang buộc cao để các khúc gỗ dựng đứng, ngược lại nơi đất khô thanh ngang được hạ thấp để gỗ khúc ở tư thế nằm sát xuống và khoảng cách gần lại.
Thường chỉ cần một tháng là biết được kết quả việc cấy giống. Nếu giống phát triển tốt thì nắp dính chặt, khó gỡ ra, ấn ngón tay vào nắp gỗ giống) sẽ thấy lực đàn hồi trở lại. Đuôi miếng gỗ chêm có tơ trắng, lẫn với màng bao phủ có màu nâu trà. Nếu ủ theo kiểu xếp đống, sau 1 – 2 tháng nên chuyển sang xếp đứng để tránh nhiễm tạp. Thời gian nuôi ủ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm là đến giai đoạn tưới đón nấm.
4. Chăm sóc và thu hái nấm
Ở giai đoạn này gỗ khúc được chuyển đến một nơi có ẩm độ cao (nhà trồng hay một miếng đất khác). Việc làm này tốn kém và có thể ảnh hưởng đến nấm, nhưng nó lại an toàn và tránh được tạp nhiễm. Cây lúc này chỉ nên xếp đứng, gác đầu vào nhau hai bên thanh gỗ chủ yếu tiện chăm sóc và thu hái nấm. Ẩm độ nhà trồng nên giữ trong khoảng 65 – 85% và ánh sáng khuếch tán đều trên các mặt khúc gỗ.
Riêng nhiệt độ thì còn tuỳ chủng nấm. Dựa theo điều kiện khí hậu của địa phương mà chọn chủng nuôi cấy. Nhiệt độ phát sinh nấm bao giờ cũng thấp hơn nuôi ủ từ 4 – 5oC. Nấm đông cô bắt đầu tạo nụ cho đến khi trưởng thành cần 10 ngày (ở nhiệt độ 10oC) và 7 ngày (ở nhiệt độ 17oC) . Tùy mục đích thu hái, bán tươi hoặc phơi khô mà thời điểm thu hái cũng khác nhau. Nấm bán tươi nên thu hoạch lúc mũ nở 5 – 6 phần, còn nếu phơi khô nên chờ mũ nở 7 – 8 phần.
Cũng cần chú ý, tai nấm bị ướt nhiều (mưa hay tưới nước), dễ bị hư hỏng khi hái, ngoại trừ mũ đã quá nở còn lại nên chờ 1 hoặc 2 ngày cho hơi ráo rồi mới hái. Lúc hái, nắm chân nấm xoay nhẹ hoặc dùng dao để cắt, tránh làm tổn thương lớp vỏ cây hay để lại thịt nấm quá nhiều, có thể gây nhiễm ở các đợt thu hoạch sau. Nấm thu vội vã trước khi đến giai đoạn thích hợp, mũ dễ bị cong và những nếp gấp trên mũ thường có đốm màu nâu trà làm giảm giá trị thương phẩm.
Đời sống của khúc gỗ kéo dài từ 3 – 5 năm (thậm chí có thể tới 10 năm) tùy vào loại cây đem nuôi trồng nấm. Thời gian này có thể giảm xuống, nếu khúc gỗ không được bảo quản giữa các đợt thu hoạch nấm, như độ ẩm cao của nhà trồng hoặc vệ sinh môi trường xung quanh. Kết quả là nấm mốc, nấm nhảy và các mầm bệnh khác lan tràn và phát triển khắp khu nuôi trồng làm hỏng các khúc gỗ. Tốt nhất nên hạ ẩm độ xuống bằng cách ngưng tưới nước thông thoáng và bớt sáng. Nền đất nên quét dọn sạch sẽ, nhổ cỏ và làm mương thoát nước. Những cây có hiện tượng bệnh nên tách riêng và xử lý.