Kỹ thuật trồng mít – Kỹ thuật trồng và Bón phân
b. Làm đất và thiết kế vườn trồng
Vườn trồng phải cày bừa kỹ, nhặt hết cỏ dại, thoát nước tốt trong mùa mưa, chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất, quanh vườn thông thoáng để chống sâu bệnh, cần đo đạc để phân lô, xác định hướng trồng, định vị hốc bằng phương pháp thủ công.
Xây dựng hệ thống tưới tiêu, đường đi nội bộ, việc này đòi hỏi phải được tính toán trước, vì sẽ ảnh hưởng thuận lợi hay khó khăn trong quá trình đầu tư.
Tùy theo địa hình đất cao hay thấp để đào mương thoát nước cho phù hợp.
Đất bằng phẳng, xẻ mương rãnh sâu ít nhất 30- 40cm (tùy mực nước ngầm ở từng nơi) để chống úng vào mùa mưa.
Nơi thấp cần đắp mô cao từ 40- 70cm.
Nếu đất trồng có độ dốc thấp, nêm đào hố trồng có kích thước 40 x 40 x 40cm, nếu độ dốc hơi cao đà hố 40 x 40 x 60cm (sâu 60cm).
Mỗi hố có thể trộn 0,5 – 1kg vôi bột, 0,3- 0,7kg phân lân supe, 10kg phân chuồng hoặc xơ dừa, vỏ đậu, trấu mục…
c. Mật độ và khoảng cách trồng
Mít là cây ưa sáng, cần nhiều ánh sáng cho cây sinh trưởng và phát triển, kháng sâu bệnh; có 2 loại mật độ trồng:
Trồng dầy: Cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m, một sào Trung bộ trồng khoảng 16 cây.
Trồng thưa: Cây cách cây 6m, hàng cách hàng 7m, 01 sào Trung bộ trồng khaongr 11 cây.
Đất cằn cỗi nên trồng dầy, đất tốt nên trồng thưa.
d. Tiêu chuẩn cây giống
Cây giống phải đảm bảo đúng giống và đủ tiêu chuẩn xuất vườn (thường có đường kính gốc lớn hơn 0,8cm, cao hơn 30cm, kể từ vết ghép), bộ rễ phát triển mạnh, lá đang giai đoạn già, vết ghép tiếp hợp tốt.
Trước khi trồng 2 tuần phải ngừng bón phân, giảm tưới nước và phải xịt thuốc trừ sâu, phòng chống nấm bệnh thật kỹ.
e. Cách trồng
Đất thấp trồng trên mô cao 40- 70cm, đất có độ dốc khoảng 5% trồng mặt bầu ngang với mặt đất, đất dốc hơn 7% trồng thấp hơn mặt đất 10- 20cm.
Hốc phải sâu và to hơn bầu cây giống, rạch đáy bầu và cắt bỏ đuôi chuột (rễ cọc) bị xoắn lại, đặt bầu vào hốc chuẩn bị sẵn, rút nhẹ túi đựng bầu ra và lấp lại.
Nế cây cao dùng cộc cắm cố định cho cây khỏi ngã, tủ xung quanh gốc bằng các vật liệu sẵn có để che cỏ dại, chống xói mòn và giữ ẩm.
g. Tưới tiêu nước
Tháng đầu sau khi trồng, nếu khô hạn phải tưới thường xuyên 2- 3 ngày/lần, sau đó tưới 4- 5 ngày/lần.
Từ năm thứ hai về sau, tưới cho cây vào giai đoạn mới bón phân và vào những tháng quá khô hạn.
Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra kênh mương thoát đảm bảo chống úng tốt nhất.
h. Làm cỏ
Định kỳ làm cỏ quanh gốc, cày xới chăm sóc mỗi năm 3 lần.
Năm đầu cày cách gốc 0,4m, năm thứ 2 cách gốc 0,6m.
Ở vùng cao đầu và giữa mùa mưa cày ngang so với triền dốc để hạn chế nước mưa cuốn trôi đất, cuối mùa mưa nên cày xuôi theo triền dốc để trở đất.
Từ năm thứ 3, chỉ làm cỏ xung quanh gốc hay cày chăm sóc theo hàng khi cần thiết.
Nên giữ lại cỏ để giúp tạo nên vùng tiểu khí hậu ổn định và che chắn được bề mặt của đất.
i. Cắt tỉa, tạo tán
Cắt tỉa, tạo tán nhằm giúp cây phát triển cân đối, các cành ngang phân bố đều nhau, loại bỏ các cành sâu bệnh, cành già, cành mọc không đúng hướng, cành vô hiệu.
Việc tỉa cành nên tiến hành khi cây cao khoảng 1m trở lên, cây còn nhỏ tỉa cành, tạo tán 2- 3 lần/năm, cây lớn thì mỗi năm một lần sau khi thu hoạch.
Cách tỉa: Cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành mọc song song theo trục thân chính, giữ lại các cành cấp 1 cách gốc khoảng 40cm trở lên, chọn các cành mọc theo hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới 40- 50cm, tạo thành tầng, mỗi tầng không quá 5 cành cấp 1.
Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3 cho cây vừa đẹp vừa thoáng.
k. Bón phân
Phân hữu cơ: Gồm các loại phân chuồng, phân xanh, phân rác, bã dừa hay trấu mục ủ hoai… tùy thuộc độ tuổi của cây mà dùng liều lượng cho thích hợp.
Cách bón: Phải đào sâu xung quanh hay một phần tán cây để bón.
+ Năm thứ 1: Bón cuối mưa, đào rãnh rộng 20cm, sâu 20cm, cách gốc 30cm và bón 8kg.
+ Năm thứ 2: Bón đầu mùa mưa, đào rãnh rộng 25cm, sâu 20cm, cách gốc 80cm và bón 15kg.
+ Năm thứ 3: Bón đầu mùa mưa, rìa tán cây đào rãnh rộng 30cm, sâu 25cm và bón 25kg.
+ Năm thứ 4: Thu hoạch xong, rìa tán cây đào rãnh rộng 30cm, sâu 25cm và bón 35kg.
+ Năm thứ 5: Thu hoạch xong, rìa tán cây đào rãnh rộng 30cm, sâu 25cm và bón 45kg.
Phân hóa học:
Đất có độ phì nhiêu trung bình có thể bón đạm, lân, kali theo tỷ lệ 2:2:1 trong thời gian xây dựng cơ bản và tỷ lệ 2:3:3 + lưu huỳnh ở thời kỳ cho quả.
Nếu ở vùng đất phù sa nhiều mùn bã hữu cơ có độ pH thấp phải bón nhiều lân và vôi; đất cát xám, đất gò đồi cần nhiều kali và đạm.
Có thể dùng phân tổng hợp NPK 16:16:8 để bón trong thời kỳ xây dựng cơ bản và NPK 20:20:15:13S bón vào các năm sau.
Lượng bón NPK tổng hợp nên sử dụng với mức độ sau:
Tuổi cây (năm) | Lượng phân khoáng | Số lần bón |
1 | 0,5 | 4 |
2 | 1,0 | 4 |
3 | 1,5 | 3 |
4 | 2,0 | 3 |
5 | 4,0 | 2 |
6 | 5,0 | 2 |
7 | 6,0 | 2 |
Phân khoáng là phân NPK 16:16:16, 3 năm đầu dùng phân 16:16:8 cũng được, nhưng từ khi ra quả nhất thiết phải dùng phân có kali (nếu không có kali phải bón tro, nhưng lượng phải nhiều).
Khi mít đã có quả, chỉ cần bón 2 lần/năm vào cuối vụ thu hoạch rộ và đầu vụ.
m. Tỉa quả theo tuổi cây
Do cây cho nhiều quả, mỗi cây trên 100 quả/năm, nếu không tỉa bỏ bớt sẽ ảnh hưởng tới cây, như gẫy cành, quá méo mó, sâu bệnh, quả bé… việc tỉa bỏ bớt quả là cần thiết, chỉ giữ lại những quả đẹp và số lượng quả để lại theo năm trồng của cây như sau:
+ Năm thứ 2 sau khi có quả, chỉ để lại 5 quả trên cây.
+ Năm thứ 3 sau khi có quả, chỉ để lại 20 quả trên cây.
+ Năm thứ 4 sau khi có quả, chỉ để lại 40 quả trên cây.
+ Năm thứ 5 sau khi có quả, chỉ để lại 50 quả trên cây.
+ Những năm sau đó chỉ nên để lại từ 70- 80 quả/cây