Kỹ thuật trồng cây đậu đũa an toàn cho hộ gia đình
Đậu đũa hay đậu dải áo (tên khoa học: Vigna unguiculata subsp. sesquipedalis) là một phân loài thực vật thuộc phân họ Đậu, có kỹ thuật trồng cây không quá phức tạp. Đậu đũa là cây dây leo hàng năm, thường được trồng để lấy trái làm thực phẩm.
Quả đậu đũa xanh dài 35 cm đến 75 cm, thường được chế biến tương tự đậu cô ve. Đậu đũa ra quả khoảng 60 ngày sau khi gieo hạt, và thường gặp từng cặp quả đậu đũa trên cây. Loài cây này thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, được trồng rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á và nam Trung Quốc. Tại châu Phi, đậu đũa là cây thực phẩm truyền thống, là nguồn dinh dưỡng tiềm tàng, giúp tăng cường an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển nông thôn và hỗ trợ sự bền vững của hệ sinh thái.
Kỹ thuật trồng cây
Đậu đũa có thể trồng quanh năm nhờ có nhiều giống. Vụ Đông Xuân rơi vào tháng 11 – 12 dương lịch (dl), vụ Xuân Hè vào tháng 2 – 3 dl, vụ Hè Thu có thể gieo tháng 5 – 6 dl và vụ Thu Đông gieo tháng 8 – 9 dl. Bà con nên chọn đất cao, thoát nước tốt, làm sạch cỏ, bón 1 tấn vôi/ha, cày xới kỷ và phơi ải 7 – 10 ngày. Những nơi đất thấp phải lên luống cao 15 – 20 cm.
Đối với đậu leo, người trồng cần gieo hạt khoảng cách 1.2 x 0.40 m, mỗi lỗ để 2 cây. Đối với đậu lùn gieo hạt khoảng cách 50 x 30 cm, mỗi lổ để 2 cây. Mùa mưa ít nắng, cây nên được gieo thưa để dễ chăm sóc và thu hái. Mùa nắng nên gieo dầy để thu được năng suất cao. Ngoài ra, việc khử đất với Basudin và Kitazin hạt trước khi gieo và vô cùng quan trọng. Lượng giống gieo từ 18 – 20 kg hạt /ha (đậu leo) và 30 – 40 kg hạt (dạng lùn).
Lượng phân bón tùy theo điều kiện dinh dưỡng có sẳn trong đất và nhu cầu của cây qua từng giai đoạn sinh trưởng. Đậu đũa cho năng suất cao hơn đậu cove nên thường được bón lượng phân cao hơn. Công thức phân thường dùng cho đậu đũa là: N: 180 – 250 kg/ha, P2 O5: 150 – 200 kg/ha, K2O : 80 – 120 kg /ha.
Dựa vào công thức trên, bà con có thể bón với tỷ lệ: 100 – 150 kg Urê, 50 kg DAP và 50 kg KCl hoặc 400 – 450 kg Urê, 800 – 1.000 kg super lân, 150 – 200 kg KCl, 20 – 25 tấn phân chuồng và 1-2 tấn tro trấu.
Bón thúc lần 1 bao gồm các bước: làm cỏ và đánh rảnh một bên hàng đậu, bón phân NPK rồi vun mép lấp phân và giữ ấm gốc. Bón thúc lần 2 có các việc cần thực hiện là làm cỏ và đánh rảnh bên phía đối diện, bón phân NPK và vun mép còn lại. Trong thời gian thu hoạch trái tươi, bà con nên tưới dậm phân đạm và kali 10 ngày/lần để kéo dài thời gian thu trái và trái đậu được tốt.
Thu hoạch
Đậu lùn cho thu hoạch 40 – 45 ngày và đậu leo cho thu hoạch 45 – 50 ngày sau khi gieo. Năng suất lứa đầu rất thấp, khoảng 150 – 200 kg/ha. Lứa thứ 4 – 5 cây mới cho thu rộ, cách ngày bà con nên thu 1 lần, mỗi lần thu khoảng 1 -1.5 tấn/ha. Đậu cho thu hoạch kéo dài 30 – 40 ngày với 12 -15 lứa. Khi thu, người dân nên dùng dao cắt hay dùng tay vặn nhẹ trái, không giật mạnh làm rụng nụ hoa các lứa sau. Năng suất các giống đậu đũa leo cải thiện từ 25 – 35 tấn/ha.
Công dụng của cây đậu đũa
Đậu đũa là món ăn quen thuộc với người dân Việt Nam. Theo Đông y, đậu đũa có vị ngọt, mặn; tính bình, không độc; vào các kinh Túc thái âm Tỳ và Túc thiếu âm Thận. Quả đậu đũa có tác dụng kiện tỳ bổ thận, thanh nhiệt giải độc, lợi yết hầu…Loài cây này thường dùng chữa tỳ vị hư nhược, bụng trướng tiêu chảy, nôn mửa, tiêu khát (đái tháo đường), thận hư di tinh, đái đục, tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ bị khí hư bạch đới…