Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu – Phần 2
II. KỸ THUẬT NUÔI:
1. Chọn bãi nuôi:
a. Nền đáy:
Nền đáy có ý nghĩa quyết định trong đời sống của nghêu.
Nền đáy là cát bùn hoặc cát – cát bùn có cỡ hạt 0,062 – 0,250mm là thích hợp.
Chọn bãi ở vùng trung triều và dưới triều, đáy tương đối bằng phẳng, ít dốc, nền đáy hơi xốp, độ sâu vùi của nghêu khoảng 4-6cm dưới lớp mặt đáy.
b. Nhiệt độ:
Nhiệt độ trung bình của không khí 25,2 – 28,4oC, cao nhất 28,4oC (tháng 4) thấp nhất 25,2oC ( tháng 1).
Mùa nóng nhiệt độ tối đa 35oC, có khi lên 37,8oC (tháng 6,7).
c. Nồng độ muối:
Mưa tại chỗ cùng lũ thượng nguồn xuống làm nồng độ muối thấp nhất, trung bình 7-10‰, có khi gần 1-2‰, lúc triều thấp.
Nước lên với nồng độ muối cao 25-30‰, chỉ tồn tại 2-3 giờ/ ngày, lúc này nghêu tranh thủ kiếm ăn, sau đó lại nhanh chóng khép vỏ và vùi xuống sâu.
2. Quy hoạch bãi nuôi:
– Ở cồn bãi ven biển thì phân lô dạng bậc thang theo chiều dọc bãi thành hình chữ nhật.
Diện tích vuông rộng 1-2 ha.
Đường phân vuông thẳng góc với đường bờ.
Dọc các đường phân vuông phải cắm cọc tre hay gỗ (mỗi cọc cách nhau 4-6m) có lưới chắn rải theo các cọc.
Chiều dài lưới khoảng 300-400m, chiều cao lưới chắn khoảng 40cm (kích thước mắt lưới 4-5mm).
– Các bãi cồn ở giữa các cửa sông (thường có dạng bầu dục hay tam giác) thì phân vuông theo cỡ bàn cờ.
Diện tích mỗi vuông 2 – 4 ha có rào chắn 4 cạnh (rào chắn gồm cọc và lưới như trên).
3. Nghêu giống:
Đến nay chủ yếu dựa vào nguồn giống tự nhiên ở Gò Công Đông, Bình Đại, Ba Tri ở cồn bãi có nghêu cám và nghêu giống, mật độ trung bình 15-20 con/dm2 (có nơi 100-150 con/dm2).
Trường hợp chuyển giống nghêu ở nơi khác về nuôi, đóng bao khoảng 10kg/bao dùng bao bì thấm nước, nên chuyển về ban đêm, tránh mưa (đảm bảo thời gian vận chuyển từ lúc thu đến lúc gieo giống không quá 12-16 giờ, chuyển bằng thuyền trọng tải 4-6 tấn, có tốc độ cao).
Không dùng con nghêu giống đã há miệng và có mùi ươn.
Thả giống rải đều lúc thuỷ triều đang lên, triều xuống thả ở chỗ nước sâu 10cm, không thả giống ở chỗ nước cạn.
Mật độ: cỡ 800-1.000con/kg thì thả 300-350con/m2, 3.500-3.600kg/ha.
Nếu thả giống cỡ nhỏ cỡ 3.000-4.000con/kg thì cần 900-1.000kg/ha.
Hàng năm ở Tiền Giang và Bến Tre có thể thu hoạch 2.000-3.000 tấn nghêu giống, cung cấp cho các bãi nuôi trong tỉnh và các nơi khác.
4. Chăm sóc:
a) Ở các bãi cồn, mỗi hộ dựng một chòi canh trên mặt biển, diện tích 8-10m2 thường xuyên có 1-2 người gác, lúc triều lên có 3-4 lao động thu con nghêu giống bị sóng và thuỷ triều đưa vào bờ đem thả lại chỗ nước sâu.
Việc này tiến hành vào 3-4 tháng đầu sau khi thả giống cho đến khi nghêu đạt 20mm.
b) Thường xuyên kiểm tra rào chắn nhất là chân rào để nghêu không bị đẩy ra ngoài vuông nuôi.
Nếu nghêu tập trung lại một góc hay một phía rào nào đó thì phải bắt chúng trở lại góc đối diện.
c) Thu bắt các con ốc mỡ trơn (Polynices didyma Bottem), ốc mỡ hoa (Natica maculosa Lamarch) vì chúng di động tìm mồi bắt ăn những con nghêu nhỏ.
5. Thu hoạch:
Cỡ thu tốt nhất, chiều cao vỏ 36-37mm, tương đương 50con/kg, cỡ trên 50mm vỏ rất dày và nặng.
Mùa thu có chất lượng cao vào tháng 4-7.
Cần thu nghêu thịt vào lúc triều rút, lúc này chúng đã ăn no, thải các vật thừa trong vỏ, chỉ giữ lại nước nên thịt nghêu rất sạch, ngược lại thu lúc triều lên thường chúng ngậm cát giảm chất lượng khi chế biến.
Các sản phẩm thu cần đóng bao ngay (mỗi bao 30-40kg) giữ ở nơi râm mát, tránh nắng, tránh mưa, nếu bảo quản tốt nghêu sống được 40-48 giờ.
Loại bỏ con nghêu mở vỏ, có mùi ươn thối bốc ra.
Số nghêu còn lại rải ra nền đáy cát gần bãi biển hay cửa sông có nồng độ muối 20-30‰ để kéo dài sự sống của chúng.
Nếu nuôi đúng các yêu cầu trên đạt năng suất 48-56 tấn/ha, giá 1.200đ/kg ( ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1995), người nuôi thu 40 triệu.
Trừ chi phí (giống: 5 triệu, chuyên chở 1,6 triệu, vật tư và chi khác 1,4 triệu) = 8 triệu.
Nếu 4 lao động/ha, thì một lao động thu 6-7 triệu đồng/năm.
Nuôi nghêu ở cửa sông Cửu Long, ven biển Nam bộ có thể đưa sản lượng 100.000 tấn/năm (Nguyễn Hữu Phụng, 1996).