Kỹ thuật nuôi nghêu – Phần 1
I. Đặc điểm sinh học của nghêu (Meretrix)
1. Phân bố
Nghêu thuộc ngành động vật thân mềm (Mollusca), lớp hai mãnh vỏ (Bivalvia).
Họ Ngao có khoảng trên 500 loài phân bố rộmg ở vùng bãi triều biển các nước ôn đới và nhiệt đới, đặc biệt là ở Thái Lan, Ấn Độ, Philippin…Ở vùng biển phía Tây Ấn Độ Dương, chúng phân bố ở vùng bãi triều, eo vịnh có đáy là cát và vùng triều đến nơi có độ sâu là 20m.
Riêng Việt Nam có khoảng 40 loài huộc 7 giống phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam, vùng ven biển phía Bắc có ngao dầu (Meretrix meretrix), ngao mật (Meretrix lusoria, Rumplius).
Vùng biển phía Nam có nghêu (Meretrix lyrata, Sowerby).
Ngao phân bố trên các bãi biển, eo vịnh có đáy là cát pha bùn, sóng gió nhẹ, có nguồn nước ngọt chảy vào.
Ngao là loài rộng nhiệt, chúng có thể sống tốt trong điều kiện nhiệt độ 28-30oC, độ sâu trung bình từ 0,1-0,8m nước, tốc độ dòng chảy là 0,1-0,25m/s, hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong khoảng 4-6mg/L, pH từ 6-7.
2. Hình thái và cấu tạo
a. Cấu tạo ngoài:
– Vỏ ngao có hình tam giác, hai vỏ to bằng nhau, dầy và chắc. Chiều dài vỏ lớn hơn chiều cao vỏ, mặt vỏ phồng và nhẵn bóng, đường sinh trưởng mịn và rõ nét.
Ngao dầu có lớp bì màu nâu hoặc màu trắng tùy theo từng loại khác nhau, bề mặt vỏ hoa văn, vòng đồng tâm hay tia phóng xạ biến đổi rất lớn.
Đỉnh vỏ nhô lên và uốn cong về phía mặt bụng.
Mặt trong của vỏ có màu trắng, vết cơ khép vỏ trước nhỏ hình bán nguyệt, vết cơ khép vỏ sau to hình trứng tròn.
Phía gần đỉnh vỏ có thể nhìn thấy răng khớp, dây chằng và mặt khớp.
– Chân ngao to và ngắn hình lưỡi nằm ở mặt bụng.
Cấu tạo chân gồm có 3 lớp: hai lớp ngoài có cấu tạo đơn giản, lớp trong cùng có cấu tạo phức tạp (ngoài là cơ vòng, phía trong có lớp cơ ngang pha lẫn cơ vòng và cơ dọc).
– Màng ngao: hai tấm màng áo mỏng bao phủ toàn bộ nội tạng của ngao.
Phía mép của hai màng áo gần bụng dính lại hình thành hai vòi nước hay còn gọi là vòi xi phông: vòi nước vào nằm ở phía bụng, vòi nước ra nằm ở phía lưng.
Vòi xi phông của ngao to và ngắn, trong tự nhiên ngao vùi mình trong cát, thò vòi nước lên trên để hô hấp, bài tiết và bắt mồi.
b. Cấu tạo trong:
– Hệ tiêu hóa: Xúc biện hình tam giác nằm ở phía trước mang.
Ngao có miệng là một rãnh nằm ngang ở phía trước cơ thể, trong miệng có tấm môi ngoài, môi trong và tiêm mao để vận chuyển và lựa chọn thức ăn.
Thực quản ngắn và mỏng thông với dạ dày hình túi, bao quanh dạ dày là các tuyến tiêu hóa. Tuyến tiêu hóa được tạo bởi nhiều ống nhỏ màu trắng có lỗ thông với dạ dày.
Phía tiếp giáp với dạ dày là ruột có chiều dài gấp 2 lần chiều dài thân.
Ruột uốn khúc đi lên dạ dày qua tâm nhĩ và đổ ra hậu môn.
– Hệ hô hấp: Mang là cơ quan hô hấp chủ yếu, ngoài ra các vi mạch trên môi và màng áo ngoài cũng có tác dụng bổ trợ cho quá trình hô hấp.
– Hệ thần kinh: gồm 3 đôi hạch thần kinh: hạch thần kinh não, hạch thần kinh chân và hạch thần kinh nội tạng.
Hạch thần kinh chân nằm ở giữa chân và nội tạng có các dây thần kinh tỏa đi khắp chân.
Hạch thần kinh nội tạng nằm ở trong cơ khép vỏ sau có các dây thần kinh đi đến mang, cơ khép vỏ sau, màng áo…
– Hệ tuần hoàn gồm tim nằm trong xoang bao tim có 1 tâm thất và 2 tâm nhĩ.
Vị trí 2 tâm nhĩ đối xứng nhau và có lỗ thông với tâm thất.
Máu và các tĩnh mạch chạy tới mang tiến hành trao đổi khí rồi về tâm nhĩ qua tâm thất và tiếp tục quá trình tuần hoàn.
– Hệ sinh dục: tuyến sinh dục là các ống nhỏ bao quanh nội tạng, ngao là loài phân tính nhưng không phân biệt được con đực và con cái.
Khi tuyến sinh dục thành thục, con đực có màu trắng và con cái có màu vàng.