Kỹ thuật nuôi ngao thương phẩm bền vững kiếm bạc tỷ
Kỹ thuật nuôi ngao thương phẩm cần chú ý đến bãi nuôi, giống, chăm sóc và quản lý để có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Kỹ thuật nuôi không phức tạp, chu kỳ nuôi ngắn có giá trị xuất khẩu. Ảnh: Internet
Ngao là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao, được nuôi ở nhiều tỉnh ven biển nước ta, mang lại hiệu quả cao trên vùng triều. Kỹ thuật nuôi không phức tạp, chu kỳ nuôi ngắn, đầu tư ít lại có giá trị xuất khẩu. Nuôi ngao còn là biện pháp tích cực bảo vệ nguồn lợi này và làm sạch môi trường đáy vùng triều.
Đặc điểm
Họ Ngao có 40 loài thuộc 7 nhóm giống phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam. Vùng ven biển phía Bắc có Ngao dầu, Ngao mật… Ngao phân bố trên các bãi triều, trong các eo vịnh có đáy là cát pha bùn ( cát chiếm 70-80%), sóng gió nhẹ, có lượng nước ngọt nhất định chảy vào. Nếu đáy nhiều bùn, Ngao dễ bị chết ngạt, nếu đáy cát (100%) Ngao bị khô nóng.
Ngao thích nghi được nhiệt độ từ 5 đến 350C, ở khoảng 18-300C Ngao sinh trưởng tốt nhất. Giới hạn chịu nhiệt của Ngao là 430C, Ngao chết 50% ở nhiệt độ 440C và chết toàn bộ ở nhiệt độ 450C, ở nhiệt độ -2 đến -30C, Ngao chỉ chết khoảng 10% trong 3 tuần.
Chọn và chuẩn bị bãi nuôi
Bãi nuôi ngao thường là bãi triều, các eo vịnh có sóng nhỏ, nơi có nguồn nước ngọt nhất định chảy vào. Đáy là cát bùn, độ mặn từ 15-25‰, thời gian phơi bãi không quá 4-5 giờ/ngày.
Cải tạo bãi: Vệ sinh, thu gom đá sỏi, rác… Khi triều xuống cần cày xới mặt bãi sâu khoảng 5-10cm, san phẳng mặt bãi để ngao giống dễ dàng chui xuống, tránh bị nước triều cuốn đi.
Tạo luống: Luống có cùng hướng với dòng chảy của thủy triều khi lên, xuống. Mỗi luống rộng 1,5m, giữa hai luống có lối đi để tránh dẫm lên bãi sau khi thả giống. Những vùng nuôi ngao có thời gian phơi bãi trên 5 giờ/ngày cần có biện pháp giữ nước, tạo độ ẩm cho bãi nuôi.
Quây lưới quanh bãi: Dùng lưới có cỡ mắt lưới 2a = 1cm, cao 80cm. Dùng cọc tre, gỗ để giăng lưới. Lưới vùi sâu xuống mặt bãi khoảng 30cm, cao so với mặt bãi từ 60-70cm.
Chọn thả giống
Chọn giống: Ngao giống kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, rõ nguồn gốc xuất xứ, không bị nhiễm bệnh, có mùi tanh tự nhiên.
Thời vụ nuôi: Có thể thả nuôi quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu từ tháng 4 – 6 hoặc tháng 9 – 10 dương lịch hàng năm.
Cỡ giống thả: Tuỳ theo điều kiện bãi nuôi, khả năng đầu tư, trình độ thâm canh để lựa chọn cỡ giống và mật độ nuôi phù hợp.
Đối với bãi triều ít chịu ảnh hưởng của sóng gió (bãi êm), cỡ giống thả 1.000 – 2.000 con/kg, mật độ 400 – 500 con/m2.
Đối với bãi triều sóng gió nhẹ, cỡ giống thả 800 – 1.000 con/kg, mật độ 300 – 400 con/m2.
Đối với bãi triều sóng gió lớn, cỡ giống thả 200 – 500 con/kg, mật độ 200 – 250 con/m2.
Cách thả giống: Ngao giống sau khi vận chuyển từ nơi khác về để vào nơi râm mát để cân bằng nhiệt độ trước khi thả xuống bãi nuôi. Không thả giống khi trời đang mưa. Không nên để ngao trong bao qua đêm, nếu gặp mưa, sau khi thả ngao sẽ hao hụt lớn.
Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát, bằng cách dùng thuyền chở ngao giống rắc đều lên mặt bãi, cắm tiêu tránh thả chồng lên nhau, tốt nhất thả giống trước khi triều lên ngập bãi.
Chăm sóc và quản lý
Nuôi ngao không cần cho ăn, vì thức ăn của ngao là các động thực vật phù du có trong nước. Tuy nhiên, vì mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, nguồn nước bị ô nhiễm… nên rất dễ dẫn tới hiện tượng ngao chết hàng loạt.
Khi gặp điều kiện bất lợi, ngao có thể trồi lên mặt đáy và di chuyển đi nơi khác. Vì vậy, cần theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời. Hàng ngày khi nước triều rút, cần nhặt rác, ngao chết, vệ sinh bãi nuôi để tránh làm ô nhiễm bãi. Sau khoảng 13 – 15 tháng nuôi có thể tiến hành thu hoạch. Thời gian thu hoạch thích hợp nhất là cuối mùa xuân hoặc đầu mùa thu.