Tuy nhiên, nguồn lợi cá trê vàng tự nhiên ngày càng cạn kiệt.
Do đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang phát triển mô hình gây nuôi cá trê vàng thương phẩm cho hiệu quả kinh tế rất khả quan, bởi cá trê vàng là đối tượng khá dễ nuôi và chi phí đầu tư thấp.
1. Chuẩn bị ao nuôi
Diện tích ao nuôi cá trê vàng thích hợp từ 500-1.000 m2. Mực nước dao động từ 1,6-1,8 m. Ao nuôi bố trí gần nguồn cung cấp nước, chủ động được khâu cấp, thoát nước. Đáy ao ít bùn, bờ ao vững chắc.
Cải tạo ao nuôi bằng cách tát cạn ao, bón vôi 10 kg/100 m2. Phơi đáy ao từ 3-4 ngày, sau đó cấp nước vào qua lưới lọc. Sử dụng bột đậu nành hay bột cá để bón với liều lượng từ 2-3 kg/100 m2 nhằm gây nuôi thức ăn tự nhiên.
2. Thả giống
Cá giống thả nuôi phải đồng đều, kích cỡ từ 5-10 cm, không xây xát, dị hình. Mật độ thả từ 15-20 con/m2. Nên thả cá vào lúc trời mát. Trước khi thả cá cần tắm cá bằng nước muối với liều lượng từ 3-5 g muối ăn/lít nước.
3. Thức ăn
Sử dụng thức ăn công nghiệp có bổ sung thức ăn tự chế từ phụ phế phẩm nông nghiệp như tấm, cám, phụ phế phẩm của nhà máy chế biến thuỷ sản, phế phẩm từ lò mổ gia súc, các loại tôm tép, cua, ốc, cá tạp…
Tuỳ theo các giai đoạn phát triển, lượng thức ăn hằng ngày cho cá trê vàng dao động từ 5-7% trọng lượng cá trong ao. Hàm lượng chất đạm cần thiết để duy trì cá phát triển tốt ở tháng thứ 1 là từ 28-30%, tháng thứ 2 là 24-26% và tháng thứ 3 là 18-20%. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần. Nên dùng sàng cho ăn và lập nhiều điểm cho ăn ở trong ao để cá phát triển đều hơn.
4. Chăm sóc và quản lý ao nuôi
Cần duy trì mực nước trong ao nuôi ổn định trong suốt vụ nuôi. Định kỳ thay nước từ 10-15 ngày/lần, mỗi lần thay 1/3 nước trong ao. Thường xuyên kiểm tra bờ, bọng, rào chắn cẩn thận đề phòng sự thất thoát cá nuôi, nhất là vào mùa mưa lũ.
Theo dõi hoạt động của cá hằng ngày. Điều chỉnh lượng thức ăn sao cho vừa đủ, không thừa mà cũng không thiếu. Định kỳ 2 lần/tuần trộn thêm Vitamine C (từ 60-100 mg/kg thức ăn) và chất khoáng vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cũng như giúp cá tăng trưởng tốt hơn.
5. Phòng trị bệnh cho cá trê vàng
– Bệnh nhầy da: Bệnh này do ký sinh trùng gây ra. Khi nhiễm bệnh cá bơi thẳng đứng trên mặt nước, vây bị ăn mòn, râu quăn, da có đám chất nhầy. Điều trị bệnh nhầy da bằng sunphat đồng 0,3 g/m3 nước, tắm trong 2-3 ngày liên tục hoặc dùng Fomalin 25 g/m3 tắm trong 2 ngày liên tục.
– Bệnh trắng da khoang thân: Khi mắc bệnh cá thường nổi trên mặt nước, da bị loét, thân có những vệt trắng, vây cụt. Bệnh do vi khuẩn Flexiloacter columnanis gây ra. Điều trị bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh như Chloroxit, Tetracilin, Penixilin tắm cho cá trong 30 phút. Liều lượng 1 viên 250 mg/10 lít nước.
– Bệnh trùng quả dưa: Thân cá tại gốc vây ngực có nhiều chấm nhỏ như hạt tấm màu trắng. Các chấm này vỡ ra tạo nên các vết loét ở chỗ vỡ. Điều trị bệnh bằng cách tắm cá bằng thuốc Vernalachite hay Greenmetil 0,1 g/m3 trong 3-4 ngày hoặc dùng Formalin 25 g/m3 trong 8 ngày liên tục.
– Bệnh sán lá: Cá bị bệnh có màu đen, đầu to, đuôi nhỏ, mang bị đỏ, cá bơi chậm chạp dựng đứng quanh thành ao. Bệnh do vi khuẩn Dactylogyrus gây nên. Điều trị bằng cách tắm cá trong nước muối 3% trong 3-5 phút hoặc phun trực tiếp thuốc Dipterex 0,25-0,5 g/m3 trong 1-2 ngày liên tục.
6. Thu hoạch
Sau thời gian từ 5-6 tháng nuôi cá trê vàng sẽ đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch một lần.
Tags: ca tre, nuoi ca tre, thuy san, nuoi trong thuy san, mo hinh nuoi ca tre, ky thuat nuoi ca tre