Kỹ thuật nuôi bồ câu pháp đạt hiệu quả cao
Mô hình nuôi bồ câu Pháp thương phẩm đang là một trong những hướng đi nông nghiệp giàu tiềm năng, giúp cho rất nhiều gia đình vươn lên làm giàu bền vững trong vài năm trở lại đây. Chim bồ câu Pháp dễ nuôi, giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lại liên tục tăng trong những năm qua. Hiện nhiều vùng nông thôn trên cả nước đã áp dụng mô hình mới này và cho kết quả rất tích cực. Bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ tới bà con cách nuôi bồ câu Pháp năng suất cao được áp dụng tại các trang trại điển hình trên cả nước
Tiềm năng của mô hình nuôi bồ câu Pháp
Dễ nuôi
Bồ câu Pháp là giống chim có sức đề kháng mạnh nên rất ít bệnh dịch. Đặc biệt là khi áp dụng mô hình nuôi nhốt thì bồ câu sẽ được cách ly với môi trường mầm bệnh bên ngoài nên khả năng bệnh dịch càng giảm.
Bên cạnh đó, chim bồ câu Pháp không kén ăn, có thể ăn tất cả các loại ngũ cốc như thóc, gạo, ngô, các loại đậu và đặc biệt là có thể cho ăn xen cám viên để tăng năng suất.
Chuồng trại nuôi chim bồ câu Pháp cũng rất đơn giản và chi phí đầu tư ban đầu không cao. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết chi tiết: Hướng dẫn làm chuồng nuôi bồ câu.
Năng suất cao
Chim bồ câu Pháp được chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ phát triển rất nhanh, trung bình mỗi lứa chim non có thể xuất chuồng sau 25 – 30 ngày khi khối lượng đạt 500 – 700g. Ngoài ra, khả năng sinh sản của bồ câu Pháp cũng rất tốt, mỗi cặp bồ câu giống có thể đẻ từ 8 -12 lứa/năm và liên tục trong khoảng 4 năm.
Kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp thương phẩm
Chuẩn bị chuồng trại
Bồ câu Pháp là loài chim rất ưa sáng và chỉ sống trong môi trường sạch sẽ. Do đó, khi thiết kế chuồng trại cần phải ưu tiên 2 yếu tố đó là ánh sáng và sự thoáng mát. Nếu chuồng nuôi bị ẩm mốc hoặc thiếu sáng thì chim rất dễ bị bệnh và nhanh chóng lây lan trong cả đàn dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.
Chuồng nuôi chim được làm bằng khung thép hoặc gỗ và vây quanh bằng thép B40. Mỗi ô chuồng có kích thước trung bình là 50x50x50cm và được đóng thành từng dãy dãi hoặc thậm chí là nhiều tầng để tăng số lượng chim.
Bà con cần phân thành 2 khu:
- Khu nuôi chim giống : Mỗi ô chuồng là 1 cặp chim, có 2 ổ đẻ lót rơm sạch đường kính 20-25cm, cao 8cm vì tập tính của bồ câu là vừa nuôi con vừa đẻ trứng
- Khu nuôi chim thịt: Mỗi ô chuồng có thể nuôi 4-5 cá thể.
Chuồng nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm hiện nay có 2 dạng:
- Chuồng nuôi bán công nghiệp: Mô hình này gồm có chuồng và lưới bao xung quanh như một cái lồng khổng lồ. Đây là sự kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả nên sẽ phát huy được ưu điểm của cả 2 mô hình là cải thiện chất lượng thịt chim và dễ dàng quản lý.
- Chuồng nuôi công nghiệp: Mô hình này thì chim bồ câu chỉ sinh trưởng khép kín trong phạm vi 1 ô chuồng. Ưu điểm của dạng này là rất dễ quản lý nhưng chất lượng thịt kém hơn 1 tí.
Chọn bồ câu Pháp giống
Nên chọn bồ câu Pháp giống tại địa chỉ cung cấp con giống uy tín, các trang trại lớn trong khu vực. Giá tuy có thể cao hơn những đơn vị nhỏ lẻ tuy nhiên con giống sẽ đảm bảo chất
Khi chọn giống cần lưu ý một số điểm sau:
- Con trống: Chọn con đầu to, dáng cao, mỏ xẻ, lanh lợi, xượng chậu hẹp, không di tật
- Con mái: Chọn con có lông bụng dày và mượt, lanh lợi, không dị tật, xương chậu rộng
Ngoài ra, bà con nên mua con giống đã được ghép đôi và khoảng 3 tháng tuổi.
Lựa chọn thức ăn
Mặc dù bồ câu Pháp không kén ăn nhưng người nuôi cần phải thực hiện những kỹ thuật cần thiết để đảm bảo sức khỏe và khả năng sinh sản cho đàn chim:
- Thức ăn chính: Trộn hỗn hợp lúa – ngô – đậu (đậu xanh hoặc đậu nành) – cám viên theo tỉ lệ 3-3-1-3. Lưu ý là thức ăn cần thay đổi hàng ngày, khối lượng thức ăn trung bình cho mỗi cá thể khoảng 100g.
- Thức ăn bổ sung: Trộn hỗn hợp khoáng Premix – muối ăn – sạn sỏi <0,5cm theo tỉ lệ như sau 85 – 5 – 10.
- Nước uống: Mỗi cá thể chim sẽ uống 50-90ml/ngày. Nước uống phải sạch sẽ và thay hàng ngày
Chăm sóc và quản lý đàn chim
Trong quá trình nuôi chim bồ câu thì việc vệ sinh chuồng trại hết sức quan trọng. Bà con có thể xếp lịch dọn dẹp theo tần suất 2 lần/tuần để đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ khô ráo.
Bên cạnh đó, bà con cần tiêm vacxin cho chim 3 lần/năm để phòng ngừa dịch bệnh. Các bệnh chim bồ câu thường bị như giun sán, cầu trùng, nấm diều… Khi phát hiện có dấu hiệu bị bệnh cần nhanh chóng cách ly cá thể khỏi đàn để tránh bị lây lan.
Kết luận
Mô hình nuôi bồ câu Pháp có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển trên phạm vi cả nước nhờ nhu cầu thị trường được dự báo là tiếp tục tăng cao. Với những kỹ thuật nêu trên, bà con đã có thể bắt đầu trang trại bồ câu Pháp của riêng mình để cải thiện kinh tế gia đình. Chúc bà con thành công!