Kỹ Thuật Gieo Trồng Dưa Chuột Theo Hướng Sản Xuất Rau An Toàn
Dưa chuột thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ thích hợp với sinh trưởng của dưa chuột là 30 độ C về ban ngày và 18-21 độ C về ban đêm. Ánh sáng nhiều làm quả lớn nhanh, mập, chất lượng quả tốt. Trong điều kiện ngày ngắn, dưa chuột thường có nhiều lá và sai quả.
Nhu cầu về nước của cây dưa chuột cao nhưng lại không chịu được úng. Cây sinh trưởng thích hợp trên đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và pH trong khoảng 6,0 – 6,5.
1.Giống và thời vụ
Dưa chuột gồm có các giống quả nhỏ, quả trung bình và nhóm quả to nên chọn giống có chất lượng cao, năng suất cao và chống chịu được sâu bệnh.
Dưa chuột có thể trồng 2 vụ một năm.
– Vụ xuân: gieo cuối tháng giêng đến cuối tháng 2.
– Vụ đông: gieo hạt từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10.
Trồng dưa chuột giữa 2 vụ lúa, cần làm bầu để tranh thủ thời vụ.
2. Gieo cây con
Để tiết kiệm hạt giống, công chăm sóc cây giai đoạn đầu và tăng độ đồng đều của cây, cần sản xuất cây con trong khay xốp hoặc khay nhựa có kích thước 60×45 cm với số lượng 60 hốc/khay.
Vật liệu làm bầu gồm 40% đất, 30% trấu hun hoặc mùn mục và 30% phân chuồng mục. Các thành phần trên được trộn đều, hoại bỏ rơm, rác, vật rắn sau đó đổ đầy các hốc trên khay, ấn nhẹ rồi xếp khay trên giá cao cách mặt đất ít nhất 50cm trong nhà lưới có che mái bằng vật liệu sáng (nylon hoặc tấm nhựa trắng)
Hạt ngâm trong nước ấm 35-40 độ C trong thời gian 3 giờ, sau đó ủ ở nhiệt độ 27-30 độ C. Khi hạt nứt nanh thì đem gieo vào các hốc, mỗi hốc 2 hạt và tưới đủ ẩm. Sau đó hàng ngày đều phải tưới giữ ẩm cho cây cho đến khi trước khi trồng 2-3 ngày thì ngừng tưới.
Lượng hạt dưa gieo cho mỗi hecta từ 0,7-1 kg (30g/sào).
3. Làm đất, bón phân, trồng cây
Chọn đất cao, dễ thoát nước nhưng chủ động nguồn nước tưới. Đất thịt nhẹ hoặc cát pha có độ pH từ 5,5-6,5. Trước đó 2 vụ không trồng các cây cùng họ bầu, bí.
Do bộ rễ cây dưa chuột yếu nên đất trồng cần cày, bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,2m, cao 0,3m, rãnh rộng 0,3m.
Sau khi lên luống, rạch hàng chia luống với khoảng cách 60-70 cm, cách mép luống 20-30 cm rồi bón phân vào rãnh với lượng như sau:
– Phân đạm: 120 kg/ha hoặc 12-15 kg/sào
– Phân lân: 90 kg/ha hoặc 20-25 kg/sào.
– Phân kali: 120 kg/ha hoặc 12-15kg/sào
– Phân chuồng mục hoai mục: 20 – 30tấn hoặc 7,4 – 11 tạ/sào
Cách bón phân, phủ luống: toàn bộ phân chuồng, 50% phân lân cùng 30% lượng phân kali được bón vào rãnh, đảo đều và lấp đất. Sau đó rắc một lớp thuốc xử lý đất lên mặt luống để phòng sâu hại cây con có thể dùng Basudin 10H với lượng dùng 27 – 30 kh/ha (tương đương 1 kg/sào) và tiến hành phủ nylon. Nên sử dụng nylon 2 mặt để rải lên mặt luống (mặt đen rải xuống dưới và mặt có ánh bạc rải lên trên), chèn kỹ đất hai bên mép luống rồi đục lỗ với đường kính 10-12 cm. Khoảng cách mỗi lỗ đục 35 cm trong vụ đông và 40 cm trong vụ xuân.
Trồng cây: Sau khi loại bỏ những cây khác dạng, cây bị bệnh, chuyển khay ra giữa đồng, nhấc nhẹ bầu cây ra khỏi khay và rải đều theo lỗ đục trên mặt luống. Vùi kín bầu cây dưới đất và tưới thấm cho chặt gốc.
4. Tưới nước, bón thúc
Dưa chuột có bộ rễ ăn nông nên cần nhiều nước. Nguồn nước tưới là nước giếng khoan, nước sông. Trước khi cắm giàn (20-30 ngày sau khi trồng), cần tưới rãnh, để nước ngấm vào luống rồi tháo hết nước. Trong vụ thu – đông có thể tưới rãnh để cung cấp nước cho cây. Cần thường xuyên giữ ẩm đất từ giai đoạn cây ra hoa, đặc biệt từ khi thu quả để tăng chất lượng thương phẩm quả (khi thiếu nước, quả thường bị đắng và cong).
Kết hợp giữa tưới nước với bón thúc ở 3 thời kỳ:
– Lần 1: Khi cây có 5-6 lá thật, bón 20% lượng đạm, 25% số lân và 10% số kali, hoà vào nước để tưới.
– Sau khi thu lứa đầu, bón 40% lượng đạm, 25% lân và 30% kali, bón cách xa gốc, sau đó tưới rãnh hoặc tưới gốc.
– Bón thúc lần 3 sau lần 2 từ 7-10 ngày, hoà nước để tưới nốt số phân còn lại (40% đạm và 30% kali).
Ngoài ra có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách dùng phân lân ngâm với nước phân chuồng hoai mục hoặc bã đậu để tưới cho cây. Nếu vào thời điểm bón thúc gặp trời mua liên tục nhiều ngày thì chuyển sang sử dụng phân bón lá theo hướng dẫn trên nhãn mác.
5. Chăm sócCây 5-6 lá thật, lúc ra tua cuốn cần tiến hành cắm giàn cho cây. Giàn dưa chuột cắm hình chữ nhân, cao 1,2 -1,6. Mỗi hecta cần 42-45 nghìn cây dóc. Sau khi cắm buộc giàn chắc chắn, dùng dây đay, dây chuối mềm buộc ngọn dưa lên giàn theo hình số 8. Công việc này làm thường xuyên đến khi cây ngừng sinh trưởng (thu 3-4 lứa quả).
Thường xuyên nhặt sạch cỏ ở gốc cây, cắt bỏ những lá già ở phía dưới để tạo độ thông thoáng cho ruộng.
Giữ 3-4 cành cấp 1, mỗi cành chỉ để 1-2 đốt quả, còn lại cắt bỏ để tập trung dinh dưỡng cho quả ở thân chính.
6. Phòng trừ sâu bệnh
Đối tượng sâu hại chủ yếu trên cây dưa chuột là sâu xám, rệp, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ và sâu đục quả
Bệnh hại chính là bệnh sương mai, phấn trắng và héo xanh.
Ngoài các biện pháp phòng trừ tổng hợp kết hợp với thâm canh hợp lý, bón phân cân đối, đúng thời kỳ và vệ sinh đồng ruộng như đã trình bày ở trên, khi cần thiết vẫn sử dụng thuốc hoá học.
Nếu phát hiện có sâu, cần dùng các loại thuốc hoá học được phép sử dụng để phun như Sherpa 25EC 0,15-0,2%, phun đều 2 mặt lá, thời gian cách ly 7-10 ngày; Trebon 10EC 0,1% cácg ly 10 ngày, Pegasus 500SC 0,01% hoặc các loại thuốc khác do cơ quan chuyên môn bảo vệ thực vật khuyến cáo
Khi có bệnh sương mai và phấn trắng xuất hiện, dùng Ridomil 72 WP phun mỗi lần 1,5kg/ha hoặc Alliette 80WP phun mỗi lân 2 kg/ha hoặc Anvil 5SC với lượng dùng 0,5-1 lít thuốc/ha hoặc các loại thuốc khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn bảo vệ thực vật hay ghi trên bao bì thuốc.
7. Thu hoạch
Khi quả đạt tiêu chuẩn khoảng 4-5 ngày tuổi là có thể thu hoạch. Nếu để quả già sẽ ảnh hưởng tới sự ra hoa, đậu quả của các lứa tiếp theo, năng suất sẽ giảm. Thu hái nhẹ nhàng để tránh dứt dây.
Quả nên thu vào buổi sáng để buổi chiều tưới thúc nước phân. Thời kỳ rộ quả, có thể thu 2-3 ngày một đợt.