Kỹ thuật canh tác lúa – Phần 10
KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA
2/ Phương pháp cấy
2.1 Làm mạ
Ở ĐBSCL có 3 cách làm mạ phổ biến hiện nay: mạ khô, mạ ướt, mạ tỉa và mạ sân. Tùy điều kiện cụ thể từng nơi và yêu cầu của từng vụ mà chọn cách làm mạ thích hợp, miễn bảo đảm có cây mạ tốt, to khỏe, cứng cáp, xanh tốt, không sâu bệnh và có chiều cao vừa phải.
• Mạ khô
Đất được chuẩn bị trong điều kiện khô, cày cuốc cho tơi xốp, đánh rãnh và làm những liếp ruộng khoảng 1-1,5 m. Băm đất nhỏ ra rồi gạch hàng ngang, mỗi hàng cách nhau 10 cm, sâu 3 cm. Gieo những hạt giống khô vào những hàng này, khoảng 6g hạt (1 nhúm tay) cho mỗi hàng (mỗi m2 gieo được 50-60 g hạt). Gieo xong dùng đất bột, cát hay tro trấu lấp hạt, đậy cỏ khô để giữ ẩm và tưới nước đủ ẩm hàng ngày. Khoảng 3 ngày sau khi gieo, hạt sẽ nẩy mầm. Khoảng 10 ngày sau khi gieo, cây cao khoảng 5 cm, cào bỏ lớp cỏ khô đậy nương mạ, cho cây mạ phơi ra nắng, phát triển tốt. Đến khoảng 13-15 ngày sau khi gieo nên tưới phân Urea cho mạ tốt (khoảng 20-30g/10 m2).
• Mạ ướt
Đất được đánh bùn nhuyễn sạch cỏ, đánh rãnh thoát nước, chia ruộng ra thành những luống rộng khoảng 3m. San bằng mặt luống, rút cạn nước chỉ chừa lại dưới rãnh. Các rãnh nầy còn dùng để đi lại chăm sóc mạ sau nầy. Đất xấu cần bón nhiều phân hữu cơ và bón thêm phân lân để cây mạ cứng cáp, khỏe mạnh. Hạt giống được ngâm ủ cho nẩy mầm (ngâm 24 giờ, ủ 36-48 giờ) và rải đều trên mặt luống. Mật độ gieo 40-50 kg/công (1000 m2) là vừa. Gieo cho 2/3 hạt lúa lún trong bùn là tốt nhất. Khoảng 3-4 ngày sau khi gieo, cho nước vào từ từ theo chiều cao cây mạ và giữ cố định 5-10 cm. Khoảng 10-12 ngày sau khi gieo bón khoảng 5 kg Urea/công cho mạ tốt, sớm có chồi ngạnh trê. Nếu làm mạ 30 ngày (đối với lúa trung mùa) thì đến ngày 20 bón thêm 3 kg Urea/công cho mạ đủ dinh dưỡng tiếp tục phát triển.
• Mạ tỉa
Đất được cày cuốc lên, phơi khô, băm nhuyễn, tưới nước cho mềm ẩm, rồi dùng cây tròn hoặc chài tỉa bằng gổ, đường kính khoảng 8 cm đáy bằng làm thành những lỗ sâu 2-3 cm, cách nhau 5-10 cm. Đoạn rải hạt giống đã ngâm ủ, nẩy mầm gọn vào đáy lỗ, lấp hạt bằng tro trấu, xong phủ lên một lớp cỏ khô để giữ ẩm và tưới nước hàng ngày. Người ta có thể vét bùn ao phủ lên mặt liếp cho ráo rồi tỉa lỗ, gieo hạt như trên. Khi mạ cao khoảng 5 cm, người ta cào lớp vỏ khô nầy đi. Khoảng 10-12 ngày sau khi gieo, tưới phân Urea và chăm sóc như làm mạ khô. Mạ tỉa ít tốn đất và dễ nhổ hơn mạ khô nhưng cây mạ ốm yếu hơn và không để lâu quá 1 tháng được.
Mạ tỉa và mạ khô thường được áp dụng trong vụ đông xuân tranh thủ gieo trên bờ, liếp; trong khi làm mạ ướt phải gieo dưới ruộng ngập khó khăn khi không có hệ thống thủy nông tốt để kiểm soát nước lũ.
• Mạ sân
Mạ sân là phương pháp cải tiến của phương pháp lám mạ Dapog. Mạ được gieo trên sân đất hoặc ngay cả trên sân gạch, lót sân bằng nylon hoặc lá chuối, rải một lớp đất bột mịn trộn với phân hữu cơ đã hoai mụt hoặc mụn dừa (phần vụn rơi ra trong quá trình chế biến tơ xơ dừa), dầy khoảng 3-5 cm. Gieo hạt giống khô hoặc hạt giống đã ngâm ủ nẩy mầm cho thật đều trên mặt luống rồi rải thêm một lớp mõng phân hữu cơ hoặc đất mịn để lấp hạt, che mát và tưới ẩm hằng ngày. Khi mạ lên được 7-10 ngày thì tưới phân uear pha loãng hằng ngày cho mạ mọc tốt. Bằng cách nầy cây mạ có thể sẵn sàng để cấy sau 15-16 ngày sau khi gieo, rút ngắn thời gian gieo mạ. Khi nhổ mạ chỉ cần cuộn mạ lại theo từng mảng với ngọn mạ hướng vào trong, hoặc xé thàng từng miếng 30-50 cm để mang ra ruộng cấy.
2.2 Chuẩn bị đất
Chuẩn bị đất cấy tương tự như sạ ướt nhưng không cần phải đánh rãnh thoát nước. Yêu cầu đất cấy là phải mềm, sạch cỏ và bằng phẳng. Làm đất xong nên để ít nhất 1 ngày cho đất ổn định rồi mới cấy. Khi cấy nên giữ nước xâm xấp (khoảng 3-5 cm) để có thể cấy cạn, lúa không bị nổi và dễ cấy, lúa cũng mau bén rễ và nở bụi sớm.