Kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất
Kỹ thuật canh tác “1 phải, 6 giảm” vừa đảm bảo hiệu quả năng suất lúa, lợi ích kinh tế cho người dân, vừa thân thiện với môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Kỹ thuật “1 phải, 6 giảm” vừa tăng năng suất lúa, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa
Theo tin tức từ báo Nhân Dân, ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa 1,85 triệu ha, hằng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lương thực cả nước và cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, đóng vai trò quyết định đối với an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, việc sản xuất lúa cũng tạo ra nguồn phát thải khí (NH4, CO2) gây hiệu ứng nhà kính. Theo kiểm kê phát thải năm 2000, tổng lượng khí phát thải ở nước ta là 150,9 Tg CO2 (1 Tg = 1 triệu tấn), trong đó chất thải khí nhà kính khu vực nông nghiệp là 65,09 Tg CO2, chiếm tỷ trọng cao nhất (43,1%) của tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia, trong đó khu vực trồng lúa nước có lượng phát thải lại chiếm tỷ trọng cao nhất (57,5%) của khu vực nông nghiệp.
Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà vẫn tăng năng suất trong sản xuất lúa ở nước ta, nhiều biện pháp canh tác tiên tiến đang được thử nghiệm như: hệ thống thâm canh lúa (SRI); canh tác lúa theo quy trình “1P5G” kết hợp với quản lý nước “ngập khô xen kẽ” được gọi là “1 phải 6 giảm” (phải là giống xác nhận, giảm lượng giống, giảm bón thừa phân đạm, giảm thuốc bảo vê thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm phát thải khí nhà kính). Đây là kỹ thuật tiên tiến cho canh tác lúa giảm lượng khí phát thải ở ĐBSCL.
Kỹ thuật
Bà Nguyễn Thị Nương ở ấp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp – Kiên Giang) có 2ha sản xuất lúa. Khi dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính (1 phải, 6 giảm – 1 phải: phải sử dụng giống xác nhận; 5 giảm: giảm lượng hạt giống, giảm phân đạm bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm nước tưới, giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm phát khí thải nhà kính) triển khai ở ấp Kênh 7B, bà Nương không dám làm theo vì sợ mất mùa. “Tuy vậy, chồng tôi nghe khuyến cáo và chấp nhận thử nghiệm trên ruộng nhà mình, vì chuyện này mà vợ chồng tôi giận nhau gần 2 tháng”, bà Nương nhớ lại.
Sau khi gieo sạ, bà Nương đứng ngồi không yên khi thấy ruộng hộ kế bên lên xanh trong khi ruộng nhà mình vẫn đen sì, toàn thấy đất, lúa bệnh đến nơi mà chồng bà nhất quyết không cho phun xịt. Nhờ kiên trì áp dụng đúng kỹ thuật, qua 40 ngày, lúa phát triển tốt, chỉ tốn 1 lần phun thuốc và giảm 30% lượng phân bón, theo thông tin từ báo Kinh tế Nông thôn.
“Khi canh tác lúa theo 1 phải, 6 giảm (1P6G), gia đình tôi giảm được 30% lượng phân bón, giảm phun xịt thuốc bảo vệ thực vật 3-5 lần trong vụ, chỉ phun khi thật sự cần thiết; năng suất lúa tăng 10% so với trước, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn hộ bên cạnh khoảng 7 triệu đồng/ha. Không chỉ áp dụng trong gia đình, chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ khác. Trong vụ đông xuân 2014 – 2015, diện tích lúa áp dụng 1P6G của HTX chúng tôi đã tăng lên 500ha, trong khi trước đây chỉ có 270ha”, bà Nương cho biết.