Kinh nghiệm trồng sắn cho năng suất cao ở địa phương
Anh Nguyễn Đức Nhân ở xóm 5, ấp 4, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài, Bình Phước) vui vẻ cho biết: vốn đầu tư cho 1 ha sắn khoảng 11,5 triệu đồng, sau 9 tháng đã cho thu hoạch với năng suất 50 tấn.
Để sắn cho năng suất cao thì việc làm đất và chọn giống là rất quan trọng. Ảnh minh họa
Trồng sắn năng suất cao tại Bình Phước
Theo thông tin từ báo Bình Phước, uối tháng 4, khi những vườn sắn của một số hộ khác đã thu xong mùa vụ 2014 thì vườn sắn của gia đình anh Nhân mới bắt đầu thu hoạch. Không khí trên vườn sắn thật nhộn nhịp. Mỗi ngày luôn có 2 xe tải với trên 30 nhân công từ tỉnh Tây Ninh sang mua sắn. Nhân công tất bật với công việc, thương lái hài lòng khi mua được vườn sắn chất lượng tốt, năng suất cao.
Năm 1995, gia đình anh Nhân trồng cao su trên mảnh đất này. Đến năm 2013, anh cưa cao su để trồng sắn. Đây là mùa thu hoạch đầu tiên của gia đình. Khi cưa cao su trồng sắn, anh Nhân ưu tiên chọn giống KM104 của Nhật. Đây là giống mì chịu nhiệt, chịu hạn tốt, cho năng suất cao gấp đôi so với các giống thường.
Tuy nhiều ưu thế nhưng giống sắn KM104 lại kén đất. Biết được đặc tính này, anh Nhân thường xuyên đọc sách, báo, chú ý cách chọn, ngâm giống, liều lượng phân bón hợp lý. Theo anh, làm đất và chọn giống phải được làm kỹ. Vì giống đã bệnh thì không thể cho cây tốt; đất xấu chất lượng củ sẽ không đạt chất lượng và nhanh bạc màu đất.
Anh Nhân cho biết, vốn đầu tư cho 1 ha sắn khoảng 11,5 triệu đồng, sau 9 tháng đã cho thu hoạch với năng suất 50 tấn. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, thương lái mua sắn ở Tây Ninh hào hứng: “Tôi hài lòng khi mua được vườn săbs của gia đình anh Nhân. Trung bình mỗi hécta có khoảng 12.000 bụi, trong đó loại 3 cây/bụi chiếm khoảng 85% diện tích vườn. Vườn sắn không chỉ cho năng suất cao mà chất lượng tinh bột cũng tốt. Với chất lượng tốt như thế này, khi đưa về nhà máy họ sẽ thu với giá 2.200 đồng/kg”.
Kinh nghiệm trồng sắn ở Tây Ninh
Anh Bùi Công Ngọc (ngụ ở ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu), qua nhiều năm gắn bó với cây sắn đã có thu nhập cao nhờ chú trọng thâm canh cây sắn. Theo anh Ngọc, sắn là loại cây ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với sinh thái và điều kiện kinh tế của nông dân. Tuy nhiên, để trồng thâm canh theo hướng bền vững thì người trồng cần có chế độ canh tác hợp lý. Cây sắn nếu trồng liên tiếp nhiều vụ mà không có biện pháp cải tạo đất thì đất sẽ bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm, bệnh gây hại.
Vì vậy, trong quá trình canh tác, anh Ngọc luôn chú trọng đến việc cải tạo đất trồng bằng cách hạn chế sử dụng các loại phân bón hoá học, thay vào đó là sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hữu cơ vi sinh hoặc trồng luân canh một số loại cây trồng khác như bắp, đậu phộng, đậu xanh…
Ngoài ra, việc lựa chọn giống sắn thích hợp cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cây sắn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Châu nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung, nông dân sử dụng một số giống sắn như KM94, KM98-5, KM419, MO101…
Bên cạnh đó, năng suất và độ bột của giống mì này tương đối cao, khi trồng ở khu vực đất gò, năng suất bình quân từ 45 – 50 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có khả năng đạt 70 – 80 tấn/ha, độ bột từ 28 – 30%; khi trồng ở vùng đất thấp, thời gian thu hoạch từ 6 – 7 tháng, năng suất đạt 40 – 45 tấn/ha, độ bột 25 – 26%, báo Tây Ninh đưa tin.
Nhờ áp dụng thành công từ việc lựa chọn giống sắn, cách trồng cũng như quá trình chăm sóc hợp lý mà nhiều năm nay, năng suất sắn của gia đình anh Ngọc luôn đạt bình quân từ 55 – 60 tấn/ha. Sau khi trừ đi chi phí đầu tư (khoảng 30 triệu đồng/ha) thì mỗi năm, 20 ha sắn của anh cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng.