Kĩ thuật chăm sóc khoa học giúp tăng năng suất cây mít
Mít là cây ăn trái giúp người dân làm giàu vì vốn đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc và có khả năng chịu hạn. Áp dụng những kĩ thuật chăm sóc khoc học giúp nông dân trồng mít thu được năng suất cao
Bón phân, tỉa cảnh đúng kĩ thuật giúp năng suất chất lượng mít tăng cao. Ảnh minh họa
Để mít đạt năng suất cao, nông dân cần chú ý tới các thời kì bón phân cho mít. Bón lót (bón ngay sau kết thúc thu hoạch trái vụ trước): Lần bón phân này kết hợp với tạo tán tỉa cành và sửa bồn vun xới gốc. Phân bón sử dụng là phân chuồng ủ hoai từ 5 – 10 kg/gốc, nếu là phân hữu cơ chế biến (phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh) thì bón từ 3 – 5 kg/gốc.
Kết hợp bón phân lân để phục hồi bộ rễ, sử dụng phân lân nội địa từ 0,3 – 0,5 kg/gốc tùy theo tuổi cây. Để phát triển cành lá, bón phân chuyên dùng AT-01 với liều lượng từ 0,3 – 0,5 kg/gốc. Bón thúc lần 1 (trước khi ra hoa): bón phân chuyên dùng AT-02 với liều lượng từ 0,3 – 0,5 kg/gốc hoặc bón phân NPK ( 6-12-12 + TE). Cả 2 loại phân này có hàm lượng P và K cao hơn N nhằm mục đích kích thích hình thành mầm hoa.
Bón thúc lần 2 ( khi mít mới đậu trái): Cần sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây ăn trái AT-03 với liều lượng từ 0,3 – 0,5 kg/gốc tùy theo tuổi cây hoặc sử dụng phân NPK (19-7-13 +TE) với liều lượng 0,2 – 0,4 kg/cây. Bón thúc lần 3 (trước thu hoạch lứa trái đầu khoảng 30 ngày): sử dụng phân NPK (13-7-19 +TE) với liều lượng 0,2 – 0,4kg/cây, theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Đất – Phân bón & Môi trường phía Nam.
Bên cạnh đó, từ năm thứ 4 trở đi cây bắt đầu cho trái nhiều, sau khi thu hoạch bón mỗi gốc 20 – 30kg phân chuồng ủ hoai, 1kg vôi bột. Còn phân hóa học sau khi thu hoạch chia làm 3 lần để bón, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Số lượng phân bón cho mỗi gốc khoảng 0,3kg ure; 0,2kg DAP; 0,15kg kali/lần. Đến thời điểm cây ra hoa bón 3 lần phân hóa học, mỗi lần cách nhau 10 ngày số lượng 0,15kg DAP; 0,1kg kali/lần. Lúc cây đậu trái và nuôi trái bón 0,8kg ure và 0,35kg kali/cây.
Khi làm cỏ cho cây mít chú ý, rễ mít thường mọc nổi không cuốc sâu quanh gốc làm sẽ đứt rễ. Đặc biệt, trong giai đoạn đang cho trái nếu làm cỏ để đứt rễ dinh dưỡng bị xáo trộn, trái sẽ nhỏ, chất lượng giảm và đôi khi múi còn bị sượng. Nếu có điều kiện nên lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống sẽ giảm được nhiều công tưới, bón phân hóa học, trong khi năng suất chất lượng trái tăng cao, theo thông tin từ Bộ NN & PTNN Việt Nam.
Chú ý chỉ tỉa cành tạo tán khi cây mít đạt chiều cao khoảng 1m trở lên, khi cây chưa cho trái tỉa cành 2-3 lần/năm. Cây đã cho trái tỉa cành 1 năm/lần vào thời điểm thu hoạch trái xong. Khi tỉa cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành tược, cành nhỏ mọc không đúng hướng, cành sâu bệnh. Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40 – 50cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3… cho cây thoáng nhằm chống sâu bệnh và tăng năng suất.