Hướng dẫn thực hiện nuôi tôm vụ hai và biện pháp phòng ngừa dịch, bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản
1. Công tác sản xuất kinh doanh tôm giống và nuôi tôm vụ 2.
* Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống.
– Đáp ứng đủ tôm giống phục vụ nhu cầu của người nuôi tôm, những cơ sở trước khi nhập tôm giống về trong thời gian ương gièo 2-3 ngày, tiến hành lấy mẫu kiểm tra virut đốm trắng, taura và một số chỉ tiêu theo quy định, nếu đạt yêu cầu mới được xuất bán.
* Đối với nuôi tôm vụ 2.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh nuôi tôm vụ 2 diện tích đã thả đạt 230 ha, nguồn giống được lấy từ Công ty CP, Cty Vina, Việt úc và một số cơ sở cung ứng tôm giống trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý vùng nuôi:
– Đối với những diện tích nuôi tôm vụ 2 thả sớm đã đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch để tránh mùa mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
– Đối với những diện tích đã thả nuôi tôm vụ 2 cần thực hiện chế độ chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi tốt.
– Đối với diện tích chưa thả nuôi:
+ Những cơ sở, hộ nuôi không đủ điều kiện, kỹ thuật có thể nuôi một số loại cá như cá vược, rô phi, bống bớp… nhằm cải tạo môi trường đảm bảo cho vụ nuôi tiếp theo.
+ Những cơ sở, hộ nuôi tiếp tục thả nuôi cần nắm bắt tình hình thời tiết để tiếp tục thả tôm giống tránh thời gian mưa lụt hạn chế mức rủi ro trong nuôi tôm mức thấp nhất.
2. Công tác quản lý phòng ngừa dịch bệnh.
Thời gian qua diễn biến môi trường và dịch bệnh diễn ra phức tạp trên một số vùng nuôi tôm, tổng diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh tính đến ngày 25/8 là 135,66 ha, qua kiểm tra chủ yếu bệnh do virut đốm trắng, ngoài ra còn xẩy ra một số bệnh do môi trường làm ảnh hưởng lớn đến quá trình nuôi. Để nuôi tôm vụ 2 đạt kết quả cao, đề nghị các cơ sở, hộ nuôi cần thực hiện một số biện pháp sau:
– Đối với những ao nuôi đã thu hoạch xong, không được bơm hút bùn đáy ao, chất thải ra ngoài kênh rạch tự nhiên.
– Nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi cần xử lý nhằm hạn chế mầm bệnh và trong quá trình nuôi hạn chế việc thay nước và cấp nước.
– Thức ăn phải đảm bảo đủ chất lượng cũng như số lượng khi cho tôm ăn, không nên cho ăn thừa. Không nên sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị mốc để cho tôm ăn. Trong khẩu phần ăn của tôm cần bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất và dùng một số chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh gan và tiêu hóa của tôm… để tăng sức đề kháng cho tôm.
– Quản lý các yếu tố môi trường: pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… trong ngưỡng thích hợp. Hàng ngày thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khoẻ tôm nuôi, dùng một số chế phẩm sinh học làm ổn định môi trường nuôi trong ao nuôi tôm.
– Khi tôm nuôi có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm để xác định mầm bệnh. Phải xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, sau đó thực hiện các biện pháp xử lý phòng ngừa hoặc sử dụng các loại kháng sinh, chế phẩm sinh học được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng. Đặc biệt, đối với bệnh đốm trắng, bệnh taura người nuôi phải báo ngay cho trạm Thú y, chính quyền địa phương để được hướng dẫn cách ly và tiêu hủy theo quy định.
3. Phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế các huyện, thành, thị.
Theo dõi nắm bắt, chỉ đạo các đơn vị, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thả tôm giống đúng lịch mùa vụ, thống kê, tổng hợp và báo cáo kịp thời diễn biến về tình hình sản xuất cho Chi cục Nuôi trồng thủy sản kịp thời xử lý.
Tags: ky thuat nuoi tom, phong ngua dich benh, nuoi trong thuy san, nuoi tom the, tom cang xanh