Hướng dẫn chọn giống chim bồ câu chất lượng
Có nhiều mục đích cho việc chọn 1 cặp chim bồ câu: nuôi lấy thịt làm kinh tế, bồ câu kiểng, bồ câu đua, bồ câu đưa thư,… Nhưng dù nuôi bồ câu vì mục đích gì thì việc chọn giống luôn được đặt lên hàng đầu, bởi chim giống tốt là yếu tố quan trọng quyết định trong đến thành phẩm và năng suất.
Nuôi chim bồ câu là mô hình đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều thanh niên đã trở thành triệu phú từ con vật này, nhất là với giống bồ câu Pháp. Để việc phát triển mô hình nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả và cho năng suất cao, các bạn cần nắm vững được kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng, trị bệnh.
Tùy mục đích mà chọn con giống, cách chọn chim giống cần nắm những yêu cầu sau:
Nuôi bồ câu thịt: Chọn giống có trọng lượng lớn, nhiều thịt, lớn nhanh, một năm cho nhiều lứa đẻ. Thông thường, chim câu màu trắng có nhiều ưu thế nổi trội vì cơ bắp phát triển, chân dài, khối lượng cơ thể lớn, nhanh trưởng thành.
Bồ câu thịt giống của Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật được ưa chuộng nhất hiện nay.
Dòng chim bồ câu Pháp: Dòng “siêu lợi” Mimas có bộ lông đồng nhất, màu trắng, khả năng sinh sản từ 16- 17 cặp chim non/năm. Trọng lượng chim non lúc 28 ngày tuổi đạt 590g. Dòng “siêu nặng” Titan có bộ lông phong phú, đa dạng (trắng, đốm, xám, nâu) khả năng sinh sản 12- 13 cặp con/năm. Trọng lượng chim non lúc 28 ngày tuổi đạt 700g.
Dòng chim bồ câu Hà Lan: Giống như bồ câu Pháp, nhưng lớn con và nặng ký hơn.
Dòng chim bồ câu Mỹ: Có bộ lông đen, vàng rơm, hoặc đỏ. Trọng lượng con trưởng thành có thể đạt 1,3kg.
Dòng chim bồ câu Nhật: Có bộ lông trắng, vàng, hoặc đen, đuôi xòe ra như hình quạt, chân có lông dài xòe, mào hình chóp và cong ngược lên, ngực nhô ra tạo dáng chim hình chữ S.
Chim được chọn làm giống phải đảm bảo khỏe mạnh, lông mượt, lanh lợi, không có bệnh tật, dị tật.
Con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục), khoảng cách giữa hai xương chậu hẹp. Con mái thường nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa hai xương chậu rộng. Tuy nhiên lúc chim bé rất khó phân biệt, dễ phân biệt khi chim đạt từ 4- 5 tháng tuổi.
Một cặp chim có thể sinh sản trong 5 năm, nhưng sau 3 năm đẻ, khả năng sinh sản giảm, nên thay chim bố, mẹ.
Nuôi bồ câu cảnh: Chọn giống màu sắc phong phú, đa dạng, dáng chim ngộ nghĩnh, như: Có chóp lông đầu, đuôi xòe như chim công, có viền mỏ… Hiện nay có rất nhiều giống chim cảnh khác nhau của nhiều nước.
Nuôi bồ câu đưa thư: Chọn giống có trọng lượng cơ thể nhỏ, sải cánh dài, ít lông cánh thứ cấp. Độ bay cao đạt 100- 150m, tốc độ trung bình của một chuyến bay đạt 50km/giờ. Để đưa thư với khoảng cách 70km, thường sử dụng chim một tuổi, nếu khoảng cách xa hơn sử dụng chim hai tuổi. Chim đưa thư nếu được luyện tập tốt, có thể nhớ đường về với khoảng cách 1.300km.
Nuôi bồ câu bay thi: Chọn giống địa phương, nhỏ con, có tập quán bay cao, bay theo đàn, chịu đựng được khí hậu, thời tiết bất thường.