(PGS.TS MAI THÀNH PHỤNG- Trung tâm KNKN quốc gia; TS CHU VĂN HÁCH, Trưởng bộ môn Canh tác Viện Lúa ĐBSCL; KS PHAN VĂN TÂM, Cty Phân bón Bình Điền trả lời).
Tại sao phân kali trước đây rẻ nhưng bây giờ lại đắt đỏ?
Từ năm 2007 trở về trước, thông thường giá phân kali muối ớt (KCL) có giá thấp hơn hoặc tương đương với giá urê, nhưng hiện nay giá cao hơn urê đến 2 lần, thậm chí có lúc cao gấp 3 lần. Điều đó được giải thích bằng 2 nguyên nhân, thứ nhất nguồn cung phân kali giảm xuống, các mỏ phân kali chính ở trên thế giới như Nga, Canada đanh bị khai thác quá mức, trên đường cạn kiệt. Phân kali cũng có thể làm từ nước ở biển Chết nhưng đầu tư công nghệ cao.
Nguyên nhân thứ 2 là do nhu cầu sử dụng phân kali có xu hướng tăng trên toàn cầu do hiệu quả của phân kali càng ngày càng được chứng minh rõ rệt trên thực tiễn. Việt Nam chúng ta không có mỏ kali, các nước Đông Nam Á cũng chỉ có Lào có nhưng với trữ lượng thấp và chưa khai thác.
Phân kali có làm tăng năng suất lúa không?
Phân kali không trực tiếp làm tăng năng suất lúa. Một thí nghiệm không bón phân kali liên tục đã kéo dài 26 năm ở Viện Lúa ĐBSCL cho thấy năng suất chỉ giảm so với ruộng được bón phân kali đều đặn chỉ 200 kg/ha.
Tuy không trực tiếp làm tăng năng suất nhưng phân kali lại có tác dụng làm tăng chất lượng nông sản. Ở ruộng được bón phân kali thì hạt lúa sáng hơn, lúa chắc hơn, ít lép hơn, thời gian tồn trữ lâu hơn.
Với những ruộng bị các điều kiện bất lợi như hạn hán, nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất phù sa quá tốt thì tác dụng của phân kali rõ ràng hơn, sẽ giảm thiểu được các bất lợi trên. Mặc khác phân kali còn làm cho cây cứng hơn, ít đổ ngã, lá đứng nên ít sâu bệnh hơn.
Đất lúa ĐBSCL có nghèo kali không?
Đất lúa ĐBSCL, nhất là vùng phù sa ngọt đều giàu kali. Nông dân ĐBSCL lại có thói quen cày vùi rơm rạ, hoặc đốt rơm rạ tại ruộng nên lượng kali được các tàn dư này hoàn trả cho đất khoảng 20-60 kg K20. Mặt khác, do ĐBSCL có lũ lụt hàng năm nên lượng kali được cung cấp thông qua phù sa cũng có thêm từ 20-60 kg K20 nữa. Trên các vùng đất cát, đất gò thì lượng kali nghèo hơn do liên tục bị xói mòn, rửa trôi.
Bón dư thừa kali có gây độc cho cây, cho môi trường?
Bất cứ chất gì nếu thừa, hoặc thiếu cũng gây nên bất lợi cho cây trồng và môi trường. Nếu quá thừa kali sẽ kìm hãm quá trình hút nước, ngăn cản hấp thu Mg, ức chế quá trình hấp thu đạm.
Với ĐBSCL bón lượng kali bao nhiêu là vừa?
Việc bón bao nhiêu là vừa đủ phụ thuộc vào 3 yếu tố: Đất, mùa vụ và giống. Để biết ruộng nhà mình cần bón bao nhiêu thì nên làm thí nghiệm “ô khuyết” – Thửa ruộng gieo cấy lúa bình thường ngăn ra một ô có kích thước 5mx5m. Bên ngoài ô này bón phân có kali bình thường, còn trong ô khuyết không bón kali. Khi thu hoạch, để riêng ô này và tính năng suất, cứ 1 tấn lúa thì cây lấy từ đất 18 kg K20, rồi cứ thế tính ra lượng kali cần bón. Với ĐBSCL phổ biến cần bón 25 – 50 kg K20/ha. Lượng trên là áp dụng cho vụ ĐX, có năng suất từ 6-6,5 T/ha, còn với vụ hè thu thì có thể giảm xuống vì năng suất vụ HT thường chỉ đạt 4,5T/ha.
Với những ruộng luân canh tôm lúa thì nhu cầu kali lại càng thấp. Thấp nhưng nếu không bón thì lúa sẽ không đẹp nên vẫn phải bón, nhưng việc bón 2-3 kg/1.000 m2 là rất khó khăn. Chính vì vậy mà Cty Phân bón Bình Điền đã sản xuất ra loại NPK chuyên dùng cho lúa luân canh tôm lúa với công thức NPK: 25.20.5 hoặc NPK: 25.20.10. Khi đã sử dụng phân bón này thì không cần bón thêm phân gì nữa vì nếu bón thêm cũng chỉ lãng phí mà không mang lại hiệu quả.
Với những chân đất giồng, cát, pha cát thì nên tăng lượng bón kali thêm vì đất loại này thường nghèo kali hơn do rửa trôi.
Quy trình bón phân kali cho lúa như thế nào?
Với những ruộng phù sa ngọt thì chỉ nên bón phân kali vào giao đoạn cuối (giai đoạn đón đòng). Với những ruộng gò, cát thì nên chia lượng kali ra làm 2, một nửa bón ở giai đoạn đầu (7-10 ngày sau sạ) nửa còn lại bón ở giai đoạn đón đòng (40-45 ngày sau sạ). Nếu kỹ thì khi lúa cong trái me cũng có thể bón thêm kali bằng sử dụng phân bón lá có nhiều kali. Với những ai sử dụng phân chuyên dùng cho lúa như Đầu trâu TE + Agrotain Lúa 1, Đầu trâu TE + Agrotain Lúa 2 thì không cần bón và xịt thêm.
Lúa 60 ngày tuổi đã lỡ bón dư đạm nên xử lý như thế nào?
Nếu dư ít thì không sao nhưng nếu dư nhiều thì phải xử lý theo các bước sau:
+ Xả nước: Phải tháo nước và chỉ để nước lắp xắp.
+ Bón kali để kìm tác dụng của phân đạm. Lượng kali cần bón chỉ nên 30 kg KCL/ha (3 kg phân muối ớt cho mỗi công). Nếu thấy việc bón gốc phân kali ít quá, khó bón thì có thể sử dụng kali hữu cơ từ nguồn phân bón lá K-Humate, hoặc sử dụng phân bón lá Silica (phân Silíc có nhiều Si và kali) sẽ làm cho cây cứng lại hạn chế tác hại dư thừa của phân đạm.
Lúa đang trổ dùng phân muối ớt (KCL) hòa tan trong nước để phun xịt được không?
PHÂN CHUYÊN DÙNG ĐẦU TRÂU TE+AGROTAIN:
LÚA 1: Dùng bón thúc đợt 1 và đợt 2 (7-10 ngày sau sạ và 18-20 ngày sau sạ): 300 kg/ha.
LÚA 2: Dùng bón thúc cho lúa đợt 3 (40-45 ngày sau sạ): 100 kg/ha.
Không nên bón phân hay phun xịt bất cứ thứ gì khi lúa đang trỗ. Chỉ có 3 thời điểm bón phân: 7-10 ngày sau sạ, 18-20 ngày sau sạ và 40-45 ngày sau sạ. Khi cây lúa đang trỗ là rất mẫn cảm nên không được “đụng” vào. Khi lúa đã trổ xong, bắt đầu “cong trái me” để vào chắc thì có thể sử dụng thêm kali ở dạng phân bón lá.
Hiệu năng sử dụng của phân kali như thế nào, có bằng phân đạm không?
Hiệu năng sử dụng của phân kali cao hơn phân đạm do ít bị rửa trôi và không bay hơi. Thông thường hiệu quả sử dụng phân urê chỉ 40% thì hiệu quả sử dụng phân kali lên đến 60%. Khi bón kali vào đất thì thường bị keo đất hấp thu, giữ chặt nên không dễ bị thất thoát như phân đạm. Lượng phân kali bị keo đất hấp thu sẽ được cây sử dụng tiếp ở vụ sau.