Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa – Phần 6
7. BÔNG LÚA
Bông lúa (panicle) là cả một phát hoa bao gồm nhiều nhánh gié có mang hoa (spikelet).
7.1. Hình thái và cấu tạo: (Hình 5.21)
Sau khi ra đủ số lá nhất định thì cây lúa sẽ trổ bông. Bông lúa là loại phát hoa chùm gồm một trục chính mang nhiều nhánh gié bậc nhất, bậc hai và đôi khi có nhánh gié bậc ba. Hoa lúa được mang bởi một cuống hoa ngắn mọc ra từng nhánh gié này.
Bông lúa có nhiều dạng: bông túm hoặc xòe (do các nhánh gié bậc nhất tạo với trục bông một góc nhỏ hay lớn), đóng hạt thưa hay dày (thưa nách hay dày nách), cổ hở hay cổ kín (cổ bông thoát ra khỏi bẹ lá cờ hay không) tùy đặc tính giống và điều kiện môi trường.
Hình 5.21. Hình thái và cấu tạo của một bông lúa
7.2. Quá trình phát triển của đòng lúa và sự trổ bông
Khi bông lúa chưa trổ còn nằm trong bẹ lá ta gọi là đòng lúa. Từ lúc hình thành đòng lúa đến khi trổ bông kéo dài từ 17 – 35 ngày, trung bình là 30 ngày. Các thời kỳ phát triển của đòng lúa có thể quan sát bằng các đặt trưng của hình thái như trình bày ở bảng 5.1 và hình 5.22
Bảng 5.1. Các giai đoạn phát triển của đòng lúa
Các thời kỳ phát triển của đòng lúa | Chỉ số lá (%) | Xuất hiện lá thứ n kể từ trên xuống | Chiều dài đòng lúa (mm) | Ngày trước khi trổ | Thời gian kéo dài (ngày) |
1. Tượng cổ bông | 76-80 | Lá 4 | – | 32-29 | 3 |
2. Phân hóa nhánh gié | 80-86 | Lá 3 | – | 29-23 | 6 |
3. Phân hóa hoa (TKSK) | 87-92 | Lá 2 | 1-15 | 23-15 | 8 |
4. Phân hóa tế bào mẹ hạt phấn | 95 | Lá cờ | 15-50 | 15-13 | 2 |
5. Giảm nhiểm | 97 | – | 50-200 | 13-11 | 2 |
6. Hình thành hạt phấn | 100 | – | Dài đủ | 11-07 | 4 |
7. Hạt phấn chín | 100 | – | Dài đủ | 07-00 | 7 |
Nguồn: Matsushima, 1970
Hình 5.22. Các giai đoạn phát triển của đòng lúa (A) Sự giảm nhiễm xãy ra khi cổ lá cờ trùng với cổ lá dưới nó (B, hình giữa) (Suge, 1973)
Khi lá cờ xuất hiện thì đòng lúa dài ra nhanh chóng và hai lóng trên cùng cũng tăng nhanh, đẩy đòng lúa thoát ra khỏi bẹ của lá cờ: Lúa trổ bông (flowering). Thời gian trổ dài hay ngắn tùy theo giống, điều kiện môi trường và độ đồng đều trong ruộng lúa. Những giống lúa ngắn ngày thường trổ nhanh hơn, trung bình từ 5-7 ngày. Những giống lúa dài ngày có khi trổ kéo dài 10-14 ngày
Thời gian trổ càng ngắn càng tránh được thiệt hại do tác động xấu của môi trường như, gió, mưa, nhiệt độ thấp… Một bông lúa khi bắt đầu xuất hiện đến khi trổ hoàn toàn mất 3-4 ngày hoặc lâu hơn (5-6 ngày) tùy giống và điều kiện môi trường. Trình tự phân hoá và phát triển đòng trên một bụi lúa được bắt đầu từ thân chính (bông cái), đến các chồi bậc nhất (chồi cấp 1), chồi bậc hai (cấp 2), chồi bậc 3 (cấp 3), v.v. (Hình 5.23).
Hình 5.23. Trình tự phát triển đòng trên một bụi lúa