Hiệu quả từ mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm
Sau 6 tháng, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm cho sản lượng và năng suất cao và có lãi trên 69.266.000 đồng/ha cao hơn so với các hộ nuôi trong vùng từ 10-15 triệu đồng/ha. Trước khi thu hoạch, ao nuôi được tích cực thay nước để cá có màu sáng đẹp, sạch và ngừng cho ăn 2-3 ngày trước khi thu để đảm bảo cho cá đào thải hết thức ăn trong ruột, thịt cá không có mùi bùn.
Ảnh: Thả giống cá rô phi
Rô phi được coi là đối tượng nuôi thuỷ sản có tiềm năng to lớn cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nên được đầu tư nghiên cứu phát triển mạnh. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị, các địa phương tập trung đầu tư phát triển và xác định rô phi là đối tượng nuôi ngọt chủ lực do đó vùng nuôi liên tục được mở rộng và hình thức nuôi ngày càng tiên tiến. Tuy nhiên, ngành sản xuất cá rô phi trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu thị trường tiêu thụ, giá bán nguyên liệu thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao…Những khó khăn trên xuất phát từ việc phát triển vùng nuôi ở địa phương chủ yếu là tự phát, thiếu định hướng; chất lượng con giống chưa đảm bảo trong khi chi phí con giống, vật tư cao; môi trường nuôi ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn vệ sinh sản phẩm; người nuôi thiếu kiến thức về các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến…
Năm 2017, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Quảng Ninh được phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” nhằm tận dụng lợi thế phát triển lĩnh vực nuôi thuỷ sản, tạo mô hình liên kết giữa nuôi và tiêu thụ sản phẩm (giữa nông dân và doanh nghiệp) tại các vùng sản xuất rô phi trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ảnh: Cho ăn và quản lý ao nuôi
Để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật mô hình, ngay khi triển khai Trung tâm Khuyến nông đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị xây dựng bảng tiêu chí chọn hộ đảm bảo các yêu cầu về vùng qui hoạch, có vốn đối ứng, khả năng kỹ thuật, cam kết cải tạo hệ thống ao nuôi theo yêu cầu mô hình và đặc biệt là tâm huyết với nghề. Qua đó đã chọn được 3 hộ tại phường Yên Thanh, Uông Bí đáp ứng được các yêu cầu để triển khai thực hiện. Trung tâm Khuyến nông cũng bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 20 hộ nuôi trong và ngoài mô hình trên địa bàn phường; hướng dẫn lập kế hoạch và quản lý quá trình nuôi theo VietGAP, hướng dẫn các hộ ghi chép hồ sơ…Quy trình kỹ thuật áp dụng trong mô hình từ khâu chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước đến thả giống luôn được hộ dân tuân thủ chặt chẽ. Cá giống được mua tại cơ sở sản xuất có uy tín, mật độ thả nuôi 3 con/m2. Thức ăn được sử dụng trong mô hình là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi. Quá trình nuôi, cá được bổ sung thêm vitamin C và chế phẩm EM để tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa do đó trong suốt thời gian nuôi, cá phát triển tốt.
Ảnh: Kiểm tra tốc độ phát triển của cá
Sau 6 tháng thả nuôi cho thấy cá đạt tỉ lệ sống 70%, kích cỡ cá thu hoạch trung bình là 750g/con, sản lượng đạt 47,1 tấn/3ha (15,7 tấn/ha). Về các chỉ tiêu VietGAP, các hộ tham gia thực hiện mô hình đã tuân thủ theo quy phạm kỹ thuật VietGAP và cơ bản đạt được các tiêu chí trên nên mô hình đã hạn chế dịch bệnh, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ hộ nuôi tìm được đối tác bao tiêu sản phẩm của mô hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lương cao Hoa Phong. Theo Ban lãnh đạo HTX, do qua xem xét thấy sản phẩm từ mô hình đáp ứng tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm nên HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ số lượng cá nuôi trong mô hình phục vụ cho công nhân mỏ và người dân các địa phương trong tỉnh.
Có thể nói, dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” thành công đã mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường cũng như làm cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững, giúp nông dân làm chủ được quy trình nuôi ứng dụng các tiêu chí theo hướng nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Để tiếp tục phát triển rộng trong những năm tiếp theo, thiết nghĩ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp & PTNT, các đơn vị có liên quan cùng chính quyền các cấp cần có chính sách tiếp tục tạo điều kiện cho người nuôi để mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, nguồn gốc rõ ràng; hỗ trợ đăng ký thương hiệu hàng hóa, tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nâng cao hiệu quả kinh tế.