Hiệu quả bước đầu từ mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm
Trước thực tế đó, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Bình Đại phối hợp với Công Ty Hợp Danh Sinh học Nông Nghiệp Sinh Thành cùng với bà con nông dân thực hiện thí điểm mô hình Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, trong đó có mô hình “Tôm – Cỏ”.
Nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học là một mô hình mới trên địa bàn huyện Bình Đại, khi nuôi theo hình thức này, người nuôi sẽ tiết kiệm được chi phí cũng như công chăm sóc. Tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, một số hộ dân bắt đầu chuyển sang nuôi tôm theo hướng an toàn bền vững, trong đó có mô hình nuôi tôm-cỏ của anh Nguyễn Văn Ngót bước đầu đã cho kết quả khá tốt.
Với diện tích 1.700 m2,, anh tiến hành thả cỏ xuống ao, sau đó xử lý cỏ bằng chế phẩm sinh học để phân hủy thành chất hữu cơ làm thức ăn ban đầu cho tôm, sau đó anh thả 30.000 post tôm thẻ chân trắng. Trong 1 tháng đầu, tôm sẽ ăn từ chất hữu cơ phân hủy từ cỏ, đến tháng thứ 2 mới bắt đầu cho ăn dặm.
Đặc biệt, nuôi theo hình thức này không cần chạy quạt oxy và các hoá chất xử lý khác. Sau khoảng 2 tháng 15 ngày, tôm đã đến kích cỡ và anh thu hoạch được 190 kg, với giá bán hiện tại 132 nghìn đồng/kg, anh thu về 25 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh còn lời khoảng 18 triệu đồng. So với nuôi theo hình thức thâm canh, thì nuôi theo hình thức tôm-cỏ chi phí chỉ bằng 1/10. Đặc biệt, nuôi theo hình thức an toàn sinh học, không sử dụng các hoá chất xử lý nước nên môi trường nước rất tốt, an toàn và đảm bảo.
Anh Nguyễn Văn Ngót- xã Thạnh Phước huyện Bình Đại cho biết: “trước đây, nuôi tôm công nghiệp nhiều năm nhưng do môi trường không đảm bảo nên bị lỗ rất nhiều. Sau khi được công ty hợp danh sinh học Sinh Thành hỗ trợ chi phí cũng như phương pháp nuôi theo hình thức tôm-cỏ, tôi tiến hành thử nghiệm và bước đầu mang lại hiệu quả khá tốt, tôm phát triển bình thường, chi phí sản xuất thấp, ít tốn công chăm sóc. Vụ nuôi kế tiếp tôi sẽ tiếp tục nuôi theo hình thức này”.
Nói về hiệu quả của việc nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, Bà Đỗ Thị Nga-Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư huyện Bình Đại cho biết:“Sau khi thực hiện mô hình tôm-lúa, tôm rạ và bước đầu cho hiệu quả khá tốt, Trạm Khuyến nông tiếp tục phối hợp với công ty Hợp danh sinh học Sinh Thành triển khai mô hình tôm-cỏ cho bà con. Mô hình này phù hợp với bà con nuôi tôm công nghiệp mà thiếu vốn có thể áp dụng được. Uu điểm của mô hình này là không cần nhiều vốn, diện tích ao nuôi nhỏ, không tốn nhiều công chăm sóc có thể triển khai rộng rãi cho những hộ nghèo tại địa phương. Trong vòng 2 đến 3 tháng có thể cho nhập từ 10 đến 20 triệu, phù hợp với sản xuất nhỏ, ít vốn của bà con”.
Nuôi tôm theo hình thức tôm-cỏ bước đầu đã mang lại hiệu quả khá tốt, hiện nay, hình thức nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học được Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện triển khai thí điểm ở một số xã trong huyện với các hình thức như: tôm-cỏ, tôm-lúa, tôm-rạ. Mô hình này thích hợp với những hộ gia đình ít đất sản xuất, chi phí đầu tư thấp, quan trọng nhất của nuôi tôm theo hình thức này là an toàn-bền vững-ăn chắc và ít vốn, phù hợp cho việc xoá nghèo đối với những hộ không có điều kiện sản xuất.
Tags: che pham sinh hoc, nuoi tom, nuoi trong thuy san