Hiện Tượng Nghẹt Rễ Sinh Lý Trên Lúa Mùa
Triệu chứng: Lúa sau cấy giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh xuất hiện một số khóm hay cả ruộng lúa lá bị úa vàng hoặc chết. Khi nhổ các khóm lúa trên thấy; lá chuyển sang vàng tối, rễ thâm đen và có mùi tanh đặc trưng.
Nguyên nhân: Do lúa bị hiện tượng nghẹt rễ, thường gây hại nặng ở những chân ruộng, vùng có cơ cấu sản xuất 3-4 vụ/năm (hai lúa một mầu, hai lúa hai mầu hoặc sản xuất ba vụ lúa), thời gian nghỉ đất giữa hai vụ ngắn. Mặt khác các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cây lạc, cỏ) trên ruộng chưa kịp hoai mục, bị lên men vi sinh vật yếm khí kết hợp nhiệt độ ngoài trời cao, nên ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phân giải các chất hữu cơ và giải phóng các khí CH4 (mê tan), H2S (Hyđrôsunfua) dẫn đến ngộ đôc cho bộ rễ gây nên hiện tượng nghẹt rễ sinh lý.
Biện pháp phòng và hạn chế hiện tượng trên:
Để hạn chế hiện tượng trên nên tiến hành đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như: làm đất kỹ, ngâm dầm (dập ruộng) ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, luôn duy trì mức nước từ 5-10cm, kiểm tra bờ ruộng luôn ở trạng thái giữ nước tốt, nếu có phân chuồng tươi, rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp khác cần băm nhỏ vãi đều ra ruộng trước khi làm đất.
Khi đến thời vụ cấy tháo cạn bớt nước trên ruộng để lại từ 3-5cm (nếu ruộng đầy nước), tiến hành làm đất nhuyễn trước khi cấy. Nên bón cân đối các loại phân nhất là cân đối phân NPK. Với những ruộng lầy thụt hoặc các phụ phẩm nông nghiệp còn chưa kịp hoai nên dùng thêm từ 10-20 kg vôi bột/360m2 trước khi làm đất cấy.
Với những ruộng lúa bị nhiễm bệnh tiến hành tháo cạn nước, dùng 10-20 kg vôi bột bón đều vào ruộng, làm cỏ sục bùn cho thoát khí CH4 (mê tan), H2S (Hyđrôsunfua), kết hợp dùng một số loại phân bón qua lá như AH; KH (Thanh Hà) hoặc các chất kích thích tạo rễ mới có bán trên thị trường phun theo hướng dẫn. Khi thấy rễ trắng phát triển lại tiến hành bón thêm phân lân (Supe hoặc Nung chảy) tuỳ theo chân ruông với lượng 10-15 kg và tiến hành chăm bón lại như bình thường.