Hiện tượng lợn nái hậu bị không lên giống
1. Cung cấp dinh dưỡng tốt
Nhu cầu dinh dưỡng và chế độ ăn uống phụ thuộc vào kiểu gen và thể trạng của nái, điều kiện môi trường của chuồng nuôi.
Để xác định được các tiêu chuẩn tốt và phù hợp nhất cho mỗi trại, cần có một số cuộc thử nghiệm và rút kinh nghiệm trong thời gian đầu.
Mục tiêu là giúp đàn nái động dục, mang thai, sinh sản và động dục trở lại theo một chu kỳ đều đặn để các chương trình chăm sóc và khai thác có thể được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Các điểm quan trọng về vấn đề dinh dưỡng cần quan tâm:
– Nhập nái hậu bị vào trại hậu bị khi chúng đạt 85kg thể trọng, và được cho ăn một chế độ khẩu phần hợp lý cho đến khi đạt 100kg.
Quá trình này cũng sẽ giúp chúng có thời gian để làm quen với môi trường, khí hậu và hệ vi sinh vật của trại.
– Áp dụng chế độ dinh dưỡng và lượng ăn vào sao cho độ dày mỡ lưng của nái dòng siêu nạc đạt 1.8-2cm tại điểm đo P2.
Điều này được thực hiện bằng cách cho ăn một khẩu phần lysine thấp (chẳng hạn như 3000 Kcal ME/kg và 0,8% lysine) nhưng cần đảm bảo độ ngon miệng.
– Khoảng 2-3 tuần trước khi di chuyển vào khu vực phối, cần cho nái ăn với chế độ ăn tự do (ăn thoải mái).
Điều này giúp tối đa hóa tỷ lệ rụng trứng.
Chế độ dinh dưỡng của khẩu phần trong giai đoạn này cũng cần cải thiện cho tốt hơn, ví dụ 3200 Kcal ME/kg và 1% lysine.
– Chế độ ăn với hàm lượng protein thấp, năng lượng thấp, hoặc chế độ ăn chất lượng kém trong giai đoạn heo lứa đến dậy thì, thường sẽ tạo ra một nái hậu bị chậm động dục và trong một số trường hợp là không động dục vĩnh viễn.
Cần đánh giá đáp ứng của thể trạng nái đối với chế độ ăn uống được sử dụng.
Để biết thêm thông tin về dinh dưỡng cho heo nái hậu bị, xin tham khảo thêm phần ‘Quản lý chương trình cho ăn và nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị trên heo nái và nọc hậu bị’.
– Không nên để nái hậu bị sống và ăn uống chung với heo thịt trong giai đoạn vỗ béo cho đến khi chúng đến tuổi phối giống, vì chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và quản lý giữa hai đối tượng này là khác nhau rất nhiều.
Hơn nữa, làm như vậy nái hậu bị sẽ không được chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe sinh sản.
Đây là những tiền đề dẫn đến thất bại trong việc khai thác năng suất sinh sản của nái.
2. Đáp ứng nhu cầu sinh lý của nái hậu bị
Động dục nên bắt đầu từ khoảng 165-200 ngày tuổi.
Cho nái tiếp xúc thường xuyên hoặc sống gần nọc giống hoặc đực khí tình sẽ giúp kích thích nái lên giống nhanh và mạnh hơn.
Điểm quan trọng cần lưu ý để thành công:
– Tuổi dậy thì phụ thuộc vào giống.
Giống thuần thường bắt đầu động dục chậm hơn con lai.
– Cần sự hiện diện của nọc hay đực khí tình trong khu vực nái khô/nái hậu bị.
Các chất hóa học kích thích lên giống (pheromone) hiện diện trong nước bọt và dịch bao quy đầu của nọc, nọc già có nhiều pheromon hơn nọc mới lớn.
– Nếu có thể, cho nọc tiếp xúc trực tiếp với nái một vài lần/ngày là tốt hơn.
– Thay đổi nọc cứ mỗi 7-10 ngày để tăng thêm cường độ kích thích.
– Cung cấp một môi trường ấm áp, nhiều ánh sáng, thoáng mát và khô ráo.
Để biết được heo nái của bạn có cảm thấy thoải mái hay không, bạn hãy thử xem chính bản thân bạn có được thoải mái khi ở trong trại đó hay không?
Nếu bạn cảm thấy thoải mái thì chắc chắn là heo nái của bạn cũng cảm nhận như vậy.
– Cung cấp 14-16 giờ/ngày với mức ánh sáng tốt (bạn có thể đọc báo ở góc tối nhất).