HDT10 – giống lúa thơm chất lượng cao
HDT10 là giống lúa thơm chất lượng cao, bộ lá khỏe, đứng, lá xanh đậm, độ tàn lá muộn và có độ thuần cao trên đồng ruộng. Khả năng chống đổ khá, chịu rét tốt, chống chịu sâu bệnh khá…
Lúa thuần HDT10 trên đất thôn Đông Lai
Năm 2017, Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) sản xuất khảo nghiệm vụ xuân và vụ mùa giống lúa thuần chất lượng HDT10.
Theo đánh giá của ông Lê Xuân Binh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đông Lai (xã Quang Tiến, Sóc Sơn), đây là giống lúa cứng cây, lá đòng to, thẳng, sức sống tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt, kháng vừa với đạo ôn, rầy nâu, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá. Thời gian sinh trưởng: Vụ xuân từ 130 – 135 ngày, vụ mùa từ 100 – 105 ngày. Năng suất trung bình 65 – 70 tạ/ha, thâm canh đạt 75 – 80 tạ/ha.
“Trải qua 2 vụ sản xuất khảo nghiệm giống lúa HDT10, tôi thấy về năng suất ước đạt 200 – 230kg/sào, cao hơn 20 – 30kg/sào so với giống Khang dân 18 sản xuất tại trên cùng xứ đồng. Về kinh tế, sản xuất giống HDT10 sẽ cho thu nhập ước đạt cao hơn từ 300.000 – 500.000 đồng/sào so với sản xuất giống lúa Khang dân 18”, ông Binh khẳng định.
Tại buổi hội thảo, bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Qua 2 vụ triển khai cơ bản, giống HDT10 có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng đẻ nhánh khá, dạng cây đứng, cứng, chống đổ tốt, năng suất sản xuất đại trà từ 56 – 64 tạ/ha đối với vụ mùa, từ 64 – 72 tạ/ha đối với vụ xuân, chất lượng gạo ngon. Đây là giống lúa triển vọng để triển khai trong thời gian tới, nhất là ở vụ xuân 2018.
Đại biểu tham quan mô hình
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, qua đánh giá tại điểm khảo nghiệm cho thấy giống lúa HDT10 với một số đặc điểm chính như ngắn ngày (138 ngày trong vụ xuân và 107 ngày trong vụ mùa), thích hợp cho vụ mùa xuân muộn và vụ mùa, phù hợp với cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại các tỉnh phía Bắc, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Năng suất khá cao, 72 tạ/ha (vụ mùa), 83,1 tạ/ha (vụ xuân), cao hơn 10% so với năng suất của giống lúa HT1 và 20% so với năng suất của giống lúa Bắc thơm 7.
Chất lượng gạo của giống lúa HDT10 vượt trội hơn chất lượng gạo của giống HT1 và chỉ kém chất lượng gạo của giống Bắc thơm 7 về mùi thơm (thơm nhẹ so với Bắc thơm 7 là thơm vừa). Tỷ lệ gạo xát và gạo nguyên cao, hình dạng gạo đẹp hấp dẫn thị hiếu của người tiêu dùng, cơm mềm, mùi thơm nhẹ, có vị đậm, ngon điểm 3 (tương đương Bắc thơm 7).
Chống chịu sâu bệnh khá, thể hiện ở mức nhiễm nhẹ với rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá, thể hiện vượt trội so với giống lúa Bắc thơm 7. Khả năng chống đổ khá, chịu rát tốt.
“Với đặc điểm trên, có thể khẳng định rằng, giống lúa HDT10 phù hợp cho sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao tại các tỉnh phía Bắc, vì thế nên có tiềm năng rất lớn để mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân”, ông Hưng khẳng định.
Kiểm tra chất lượng lúa thuần HDT10
Cũng theo ông Hưng, vụ mùa 2017 Cty đã triển khai liên kết sản xuất HDT10 ở Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Bình với tổng diện tích 300ha. Lúa sinh trưởng phát triển tốt và phù hợp sinh thái các vùng. Năng suất tối thiểu đạt 2,1 tạ/sào Bắc Bộ, lúa đạt năng suất cao trên đất vàn, vàn cao, nông dân không phải sử dụng phân bón ở giai đoạn cuối…
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hà Nội) chia sẻ: “Với các ưu điểm vượt trội, tôi kỳ vọng HDT10 sớm được sản xuất đại trà trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, các nhà khoa học của Viện Cây lương thực và thực phẩm và Hadico cần đầu tư chất xám để tăng tính ổn định của giống cũng như xây dựng chiến lược, định hướng thị trường để đông đảo nông dân, HTX nắm được và triển khai mở rộng diện tích”.