Hà Tĩnh phát triển nhanh nuôi tôm công nghệ cao trên cát
Hà Tĩnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, tập trung chủ yếu tại các huyện: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, với diện tích trên 3.000ha (đã phê duyệt).
Từ năm 2003, Công ty Công nghệ Việt Mỹ – Chi nhánh Hà Tĩnh đã triển khai dự án nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh. Sau 7 năm triển khai (2003 – 2010), dự án đã thất bại do yếu kém trong công tác quản lý và điều hành sản xuất…, dẫn đến nghề nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh có bước chững lại vì tâm lí ngại đầu tư của người nuôi cũng như của các nhà quản lý.
Thế nhưng, hiện nay, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hà Tĩnh đã phát triển trở lại một cách nhanh chóng với diện tích 1.000ha. Tuy nhiên, tôm he chân trắng vẫn chủ yếu nuôi trên ao đất, còn nuôi trên cát chỉ với diện tích 40 ha tại các địa phương như: Kỳ Phương (Kỳ Anh), Thạch Trị (Thạch Hà), Xuân Yên và Xuân Phổ (Nghi Xuân).
Năm 2010, tại Hà Tĩnh xuất hiện một số mô hình nuôi tôm trên cát theo hướng công nghệ cao ở Thạch Trị, Kỳ Phương, Xuân Phổ đạt 10 – 20 tấn/ha/vụ… Những mô hình trên có thể nuôi 3 vụ trên năm với doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/ha/năm.
Từ thực tiễn nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, các hộ nuôi cho rằng, tôm thẻ chân trắng có khả năng chịu đựng sự thay đổi về môi trường tốt hơn so với các đối tượng thuỷ sản khác, đặc biệt là thời gian nuôi ngắn hơn (3 tháng/vụ). Việc khoan sâu dưới cát ngoài biển để bơm nước sạch vào ao nuôi nên nguồn nước không bị ô nhiễm.
Ngoài ra, ao nuôi tôm trên cát được lót bạt cả đáy và xung quanh bờ nên hạn chế lượng nước thất thoát gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình nuôi dùng vi sinh để phân huỷ các chất hữu cơ, hầu như không thay nước nên hạn chế được ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Quy trình nuôi nghiêm ngặt, đòi hỏi áp dụng công nghệ cao từ xây dựng ao đầm, cải tạo ao, chăm sóc, xử lý môi trường… đã hạn chế dịch bệnh.
Mặt khác, nuôi tôm trên cát theo công nghê cao tránh được các vật chủ trung gian gây bệnh như: cua, còng, ếch, nhái… Đặc biệt, môi trường nuôi ổn định, ít bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ gây ra. Năm 2010, xẩy ra nhiều cơn bão, lũ lụt lớn nhưng các vùng nuôi tôm trên cát hầu như không bị thiệt hại.
Để phát triển 300 ha nuôi tôm trên cát với năng suất ở mức 10 tấn/ha/vụ vào năm 2015, cần phải thực hiện một số giải pháp chủ yếu. Trước hết, các địa phương có tiềm năng nuôi tôm trên cát cần xem đây là hướng phát triển sản xuất mới, chủ động giới thiệu quy hoạch và triển khai sản xuất. Mặt khác, tỉnh cần tạo điều kiện để sớm lập và phê duyệt quy hoạch nuôi tôm trên cát đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (UBND tỉnh đã có văn bản giao cho các địa phương rà soát giới thiệu địa điểm quy hoạch các vùng nuôi tôm trên cát). Đó chính là cơ sở để các hộ nông ngư dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Hà Tĩnh.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh cần xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi nhằm thu hút đầu tư; hỗ trợ các điều kiện quản lý, chỉ đạo sản xuất và kiểm soát dịch bệnh; các địa phương, ngành hữu quan cần quan tâm tạo điều kiện cho người nuôi tôm thuê đất ổn định, lâu dài để yên tâm đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó là khơi thông nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để người nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn.
Về phía ngành chuyên môn, phải xây dựng một bộ quy trình về nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Hà Tĩnh (từ đào ao, lót bạt, xây dựng trạm bơm, quy trình nuôi thương phẩm hoàn chỉnh) để phục vụ cho cán bộ kỹ thuật và người dân.
Với những giải pháp trên, nếu được thực hiện đồng bộ chắc chắn sản lượng nuôi tôm trên cát sẽ đạt 9.000 tấn/năm, cao hơn 4 lần tổng sản lượng nuôi tôm hiện nay. Đây chính là hướng phát triển nuôi tôm bền vững ở Hà Tĩnh.
Tags: nuoi tom cong nghe cao, nuoi tom, nuoi thuy san