Giống đậu tương chịu hạn DT2008 thích nghi nhiều vùng đất
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) vừa có quyết định công nhận chính thức giống đậu tương DT2008 do PGS.TS Mai Quang Vinh và tập thể các tác giả Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo.
Giốn đậu tương DT2008 chịu hạn tốt, thích nghi nhiều vùng đất, năng suất cao
Đậu tương DT2008 được chọn tạo bằng phương pháp xử lý đột biến chiếu xạ tia gamma trên hạt khô dòng 2001HC từ tổ hợp lai DT2001 x HC100.
Theo các kết quả đã được khảo nghiệm công bố, giống DT2008 sinh trưởng hữu hạn, dạng cây bán đứng, lá hình trứng nhọn, hạt màu vàng và rốn hạt màu đen, thuộc nhóm giống trung ngày từ 95 – 110 ngày.
Đặc biệt, DT2008 sinh trưởng khỏe, chiều cao cây từ 55 – 75cm, số cành cấp 1 trên cây lớn từ 3,5 – 4,5 cành, khả năng chống chịu khá (điểm 1 – 2) với hạn, úng, mặn, các loại bệnh nấm (gỉ sắt, sương mai, phấn trắng…), thích ứng rộng, trồng 3 vụ/năm trên các vùng trồng đậu tương cả nước, năng suất từ 2,5 – 4 tấn/ha, cao hơn đối chứng DT84 từ 1,3 – 1,5 lần.
Theo PGS.TS Mai Quang Vinh, giống DT2008 được SX thử tại nhiều vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Tại ĐBSH, DT2008 được gieo chủ yếu ở vụ xuân và vụ đông. Hà Nội có diện tích gieo trồng lớn nhất khoảng 400ha với nhiều mô hình SX đạt hiệu quả cao, đạt năng suất từ 2,2 – 2,7 tấn/ha vượt từ 38 – 66% so với DT84.
Vụ đông 2014, mô hình SX giống DT2008 tại Đan Phượng với quy mô 15ha, đạt 2,45 tấn/ha, trong khi DT84 chỉ đạt 1,6 tấn/ha. Vụ đông 2015, tại Thanh Trì với quy mô 5ha đạt năng suất 2,38 tấn/ha, lãi thuần đạt 26 triệu đồng/ha.
Tại Vĩnh Phúc, vụ đông 2015, giống DT2008 sinh trưởng phát triển khỏe, chống chịu tốt với các loại bệnh hại như sương mai, phấn trắng, đạt năng suất 2,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn DT84 khoảng 15 triệu đồng/ha.
Còn tại huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) vụ đông 2015, giống DT2008 có thời gian sinh trưởng 96 ngày, năng suất đạt 2,46 tấn/ha.
Theo Sở NN-PTNT Hà Giang, giống DT2008 đã được SX tại địa phương với quy mô 200ha, đạt năng suất từ 1,8 – 2,5 tấn/ha. DT2008 bắt đầu được SX từ vụ xuân năm 2010 tại huyện Xín Mần trên ruộng bậc thang không đủ nước tưới với quy mô 5ha, song đã cho thấy khả năng chịu hạn, chịu rét rất tốt ở đầu vụ, đạt năng suất 2,5 tấn/ha (DT84 chỉ đạt 1,25 tấn/ha). Hiện, DT2008 đã có mặt ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh.
Tại Thái Nguyên, giống DT2008 đã được SX tại Võ Nhai, Phổ Yên với diện tích không ngừng tăng, đạt năng suất từ 2 – 2,5 tấn/ha. Theo Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên, đến nay diện tích DT2008 trên địa bàn huyện đã đạt 105ha. Do DT2008 được gieo trồng với mật độ thưa, bón ít phân so với DT84 nên chi phí sản xuất thấp hơn, lãi thuần cao hơn (dao động từ 17 – 31 triệu đồng/ha, DT84 chỉ đạt từ 7,6 – 13,3 triệu đồng/ha).
Viện Di truyền nông nghiệp đã xây dựng các mô hình SX thử tại Tây Nguyên ở 3 vụ/năm. DT2008 được trồng thuần, trồng xen trong vườn cây ăn quả, cây công nghiệp trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Năm 2010, giống DT2008 được SX thử tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai với diện tích 17,5ha ở 2 vụ đông xuân và hè thu, đạt năng suất từ 2,1 – 2,5 tấn/ha, trong khi năng suất DT84 chỉ từ 1,6 – 2 tấn/ha.
Đến nay giống DT2008 đã được SX trên nhiều vùng sinh thái khác nhau với diện tích khoảng 1.000ha đều chứng minh khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, nhiễm nhẹ bệnh (điểm 1), đạt năng suất cao (1,8 – 3,3 tấn/ha). Hiện DT2008 được nông dân ở nhiều địa phương trồng thay thế các giống đậu tương cũ.
+ Kết quả thử nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp, giống đậu tương DT2008 tại các tỉnh phía Nam trên đất nương rẫy cho thấy, mặc dù trong điều kiện hạn xảy ra 40 ngày từ khi ra hoa tới khi quả chắc, năng suất vẫn đạt từ 2,2 – 2,5 tấn/ha.
+ Cơ cấu phù hợp của giống đậu tương DT2008 ở ĐBSH: Lúa xuân – lúa mùa – đậu tương đông (gieo trước 25/9). Đậu tương xuân (đất không đủ nước cấy) – lúa mùa – cây vụ đông.
Vùng trung du miền núi phía Bắc trên đất nương rẫy: Ngô xuân – đậu tương hè thu (gieo trước 31/7). Trên đất ruộng 1 vụ: Đậu tương xuân – lúa mùa.
Tây Nguyên và Đông Nam bộ: Ngô vụ I – đậu tương vụ II. Lúa đông xuân – lúa mùa (hè thu) – đậu tương thu đông. DT2008 có thể trồng xen trong cây ăn quả, cây công nghiệp thời kỳ kiến thiết cơ bản.