Lúa là cây trồng thân thiết, lâu đời nhất của nhân dân ta và nhiều dân tộc khác trên thế giới, đặt biệt là các dân tộc ở Châu Á. Lúa gạo là loại lương thực chính của người dân Châu Á, cũng như bắp của dân Nam Mỹ, hạt kê của dân Châu Phi hoặc lúa mì của dân Châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên có thể nói, trên khắp thế giới, ở đâu cũng có dùng đến lúa gạo hoặc các sản phẩm từ lúa gạo. Khoảng 40% dân số trên thế giới lấy lúa gạo làm nguồn lương thực chính. Trên thế giới có hơn 110 quốc gia có sản xuất và tiêu thụ gạo với các mức độ khác nhau. Lượng lúa được sản xuất ra và mức tiêu thụ gạo cao tập trung ở khu vực Châu Á. Năm 1980, chỉ riêng ở Châu Á đã có hơn 1,5 tỷ dân sống nhờ lúa gạo, chiếm trên 2/3 dân số Châu Á. Con số nầy theo ước đoán đã tăng lên gần gấp đôi. Đối với những người này, lúa gạo là nguồn năng lương chính cho cuộc sống hàng ngày của họ.
Đặc biệt đối với dân nghèo: Gạo là nguồn thức ăn chủ yếu. Các nước nghèo thường dùng gạo là nguồn lương thực chính, khi thu nhập tăng lên mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm xuống, thay thế bằng các loại thức ăn cung cấp nhiều protein và vitamin hơn là năng lượng. Bangladesh và Thái Lan có mức tiêu thụ gạo cao nhất vào những năm 1960 (tương đương 180 kg/người/năm), đến năm 1988 giảm xuống còn khoảng 150 kg. Pakistan và Trung Quốc có mức tiêu thụ gạo bình quân thấp do sử dụng các ngũ cốc thay thế khác như bắp và lúa mì.
Ở Việt Nam hiện nay mức tiêu thụ gạo bình quân vẫn còn ở mức cao, khoảng 120 kg/người/năm. Theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA, 2007), tổng nhu cầu tiêu thụ gạo trung bình hằng năm của cả thế giới ước từ 410 triệu tấn (2004-2005), đã tăng lên đến khoảng 424,5 triệu tấn (2007), trong khi tổng lượng gạo sản xuất của cả thế giới luôn thấp hơn nhu cầu nầy. Cũng theo cơ quan nầy, hằng năm thế giới thiếu khoảng 2-4 triệu tấn gạo, đặc biệt năm 2003-2004 sự thiếu hụt nầy lên tới 21 triệu tấn.
Đối với một số quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar), Ai Cập lúa gạo chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, không phải chỉ là nguồn lương thực mà còn là nguồn thu ngoại tệ để đổi lấy thiết bị, vật tư cần thiết cho sự phát triển của đất nước
1/ Giá trị dinh dưỡng
Gạo là thức ăn giàu dinh dưỡng. So với lúa mì, gạo có thành phần tinh bột và protein hơi thấp hơn, nhưng năng lượng tạo ra cao hơn do chứa nhiều chất béo hơn (Bảng 1.2). Ngoài ra, nếu tính trên đơn vị 1 hecta, gạo cung cấp nhiều calo hơn lúa mì do năng suất lúa cao hơn nhiều so với lúa mì
Bảng 1.2. Thành phần hóa học của lúa gạo so với 3 loại hạt ngũ cốc
Chỉ tiêu |
Gạo lúa Mì | Bắp | Cao Lương | Gạo lức | |
Protein | (Nx6.25) (%) | 12,3 | 11,4 | 9,6 | 8,5 |
Chất béo | (%) | 2,2 | 5,7 | 4,5 | 2,6 |
Chất đường bột | (%) | 81,1 | 74,0 | 67,4 | 74,8 |
Chất xơ | (%) | 1,2 | 2,3 | 4,8 | 0,9 |
Tro | (%) | 1,6 | 1,6 | 3,0 | 1,6 |
Năng lượng | (cal/100g) | 436 | 461 | 447 | 447 |
Thiamin (B1) | (mg/100g) | 0,52 | 0,37 | 0,38 | 0,34 |
Riboflavin (B2) | (mg/100g) | 0,12 | 0,12 | 0,15 | 0,05 |
Niacin (B3) | (mg/100g) | 4,3 | 2,2 | 3,9 | 4,7 |
Fe | (mg/100g) | 5 | 4 | 10 | 3 |
Zn | (mg/100g) | 3 | 3 | 2 | 2 |
Lysine | (g/16gN) | 2,3 | 2,5 | 2,7 | 3,6 |
Threonine | (g/16gN) | 2,8 | 3,2 | 3,3 | 3,6 |
Methionine + Cystine | (g/16gN) | 3,6 | 3,9 | 2,8 | 3,9 |
Tryptophan | (g/16gN) | 1,0 | 0,6 | 1,0 | 1,1 |
Nguồn: McCanco và Widdowson, 1960: Khan và Eggun, 1978 và B. O. Eggum, 1979
Giả sử một người trung bình cần 3200 calo mỗi ngày thì một hecta lúa có thể nuôi 2055 người/ngày hoặc 5,63 người/năm, trong khi lúa mì chỉ nuôi được 3,67 người /năm, bắp 5,3 người/năm. Hơn nữa, trong gạo lại có chứa nhiều acid amin, thiết yếu như: Lysine, Threonine, Methionine, Tryptophan… hơn hẳn lúa mì.
Trong hạt gạo, hàm lượng dinh dưỡng tập trung ở các lớp ngoài và giảm dần vào trung tâm. Phần bên trong nội nhũ chỉ chứa chủ yếu là chất đường bột (Bảng 1.3). Cám hay lớp vỏ ngoài của hạt gạo chiếm khoảng 10% trọng lượng khô là thành phần rất bổ dưỡng của lúa, chứa nhiều protein, chất béo, khoáng chất và vitamin đặt biệt là các vitamin nhóm B.
Tấm gồm có mầm hạt lúa bị tách ra khi xay chà, cũng là thành phần rất bổ dưỡng, chứa nhiều protein, chất béo, đường, chất khoáng và vitamin.
Bảng 1.3. So sánh thành phần hóa học của gạo trắng và cám
Chỉ tiêu |
Gạo trắng | Cám | |
Tinh bột | (% anhydroglucose) | 89,8 | 9,7 |
Amylose | (%) | 32,7 | 6,7 |
Đường tổng số | (% glucose) | 0,4 | 6,4 |
Sợi thô (xơ) | (%) | 0,1 | 9,7 |
Chất béo | (%) | 0,6 | 22,8 |
Protein thô | (%) | 7,7 | 15,7 |
Tro | (%) | 0,56 | 10,6 |
Lân | (%) | 0,09 | 1,7 |
Fe | (mg/100g) | 0,67 | 15,7 |
Zn | (mg/100g) | 1,3 | 10,9 |
Lyzine | (g/16gN) | 3,8 | 5,6 |
Threonine | (g/16gN) | 3,7 | 4,1 |
Methionne + Cystine | (g/16gN) | 4,9 | 4,7 |
Tryptophan | (g/16gN) | 1,2 | 1,2 |
Thiamin | (B1) (mg/100g) | 0,07 | 2,26 |
Riboflavin | (B1) (mg/100g) | 0,03 | 0,25 |
Niacin | (B1) (mg/100g) | 1,6 | 29,8 |
Nguồn: B. O Eggum, 1979 (Resurreccion và cộng tác viên, 1979; Singh và Juliano, 1977; Cagampang và cộng tác viên, 1976).
2/ Giá trị sử dụng
Ngoài cơm ra, gạo còn dùng để chế biến nhiều loại bánh, làm môi trường để nuôi cấy niêm khuẩn, men, cơm mẻ,… Gạo còn dùng để cất rượu, cồn,… Người ta không thể nào kể hết công dụng của nó.
Cám hay đúng hơn là các lớp vỏ ngoài của hạt gạo do chứa nhiều protein, chất béo, chất khoáng, vitamin, nhất là vitamin nhóm B, nên được dùng làm bột dinh dưỡng trẻ em và điều trị người bị bệnh phù thũng. Cám là thành phần cơ bản trong thức ăn gia súc, gia cầm và trích lấy dầu ăn…
Trấu ngoài công dụng làm chất đốt, chất độn chuồng còn dùng làm ván ép, vật liệu cách nhiệt, cách âm, chế tạo carbon và silic….
3/ Giá trị thương mại
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu tính trên đơn vị trọng lượng cao hơn rất nhiều so với các loại hạt cốc khác. Nói chung, giá gạo xuất khẩu cao hơn gạo lúa mì từ 2 – 3 lần và hơn bắp hạt từ 2 – 4 lần. Thời điểm khủng hoảng lương thực trên thế giới vào khoảng những năm 1970 đã làm giá cả các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng vọt đột ngột: giá gạo từ 147 dola/tấn (1972) tăng lên đến 350 dola/tấn (1973), lúa mì từ 69 (1972) lên 137 dola/tấn (1973) và bắp từ 56 (1972) lên 98 dola/tấn (1973). Giá gạo đạt đỉnh cao vào năm 1974 là 542 dola/tấn, trong khi gạo thơm đặc sản Basmati (gạo số 1 thế giới) lên đến 820 dola/tấn. Sau đó, giá gạo giảm dần và tăng lên trở lại trên 430 dola/tấn trong những năm 1980 – 1981 để rồi giảm xuống và có khuynh hướng ổn định ở khoảng 200 – 250 dola/tấn, tức vẫn ở mức gấp đôi giá lúa mì và gấp 3 bắp. Nhìn chung, từ năm 1975-1995 giá gạo thế giới biến động khá lớn và ở mức cao.
Giá gạo thế giới trong những năm 90 biến động khá lớn, trong đó năm 1993 thấp nhất, sau đó tăng dần lên và tương đối ổn định từ năm 1997-1998. Giá gạo Việt Nam (5% tấm) bán trên thị trường thế giới ở mức trung bình từ 220-290 dola/tấn. Từ năm 2000 trở đi, giá gạo thế giới tăng đều và ổn định ở mức 10% năm