Đặc điểm vịt trời
Cùng với một số loài chim hoang dã, vịt trời đã được con người thuần hóa, nhân giống để nuôi theo hướng thương phẩm. Thịt vịt trời ngon, chắc và có chất lượng dinh dưỡng cao nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, tại một số tỉnh phía Bắc và miền Tây Nam Bộ đã có khá nhiều mô hình nuôi vịt trời thành công, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, cải thiện rõ rệt về kinh tế, thay đổi bộ mặt nhiều làng quê nghèo trên cả nước.
Kỹ thuật nuôi vịt trời cho năng suất cao
Vịt trời hiện đã thích nghi với điều kiện bán chăn thả. Điểm đặc biệt của loài động vật này là phải có ao, hồ và khoảng không gian thiên nhiên nhất định thì chúng mới có thể phát triển tốt, ít bệnh tật và chất lượng thịt ngon.
Chọn vịt trời giống
Để có được con giống tốt, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi, vịt giống phải có đặc tính di truyền là khả năng tăng trọng cao, chất lượng thịt tốt nghĩa là vịt con được sinh ra từ đàn bố mẹ có phẩm chất tốt. Vịt con mới nở phải đạt các tiêu chuẩn: rốn khô, lông mượt; chân, mỏ đều đặn; nhanh nhẹn; có thể trọng từ 45gr trở lên. Những con đạt được những tiêu chuẩn này thì mới nuôi thương phẩm được. Những con bị dị tật thì loại bỏ.
Cách làm chuồng trại
Chuồng trại nuôi vịt trời có thể làm bằng xi măng hoặc nền đất có lót trấu hay rơm rạ tùy vào điều kiện chăn nuôi ở mỗi nơi. Chúng ta cũng có thể thiết kế thành nhiều ô chuồng sao cho phù hợp với từng lứa tuổi của vịt. Đối với vịt con mới nở phải có lồng hoặc ô úm riêng, có đèn sưởi ấm cho vịt giúp giữ nhiệt độ cơ thể vịt được ấm khi vịt còn non. Mỗi ô úm từ 150-200 con là vừa. Sau giai đọa úm, thả nuôi tự do.
Đối với vịt thương phẩm phải có sân chơi gắn liền với chuồng nuôi. Diện tích ao hồ để vịt bơi lội phải tương xứng hoặc lớn gấp đôi chuồng nuôi để vịt tắm và vệ sinh lông. Tại sân chơi, chúng ta trang bị máng ăn, máng uống đầy đủ để cho vịt ăn. Nên để máng ăn máng uống ở nơi khô ráo và thuận tiện cho vịt lên xuống để vịt dễ tìm thấy thức ăn. Trong chuồng cũng nên trang bị máng ăn, máng uống ở 1 góc riêng nhằm tránh làm ẩm ướt chỗ vịt nghỉ ngơi.
Chuồng trại nuôi vịt trời cũng phải được vệ sinh thường xuyên, sát trùng định kỳ nhằm tránh bị ô nhiễm môi trường xảy ra dịch bệnh.
Kỹ thuật chăm sóc
Trước khi bắt vịt con về chúng phải được lồng úm sưởi ấm vài giờ. Nhiệt độ thích hợp trong lồng úm cho vịt 1-3 ngày tuổi phải đạt được từ 36-380C. Từ ngày thứ 4 trở đi, mỗi ngày giảm 10C. Trong 2 tuần đầu, duy trì chế độ chiếu sáng 24/24h, sau đó giảm xuống còn 18/24h. Ban ngày dùng ánh sáng tự nhiên, ban đêm thắp bóng đèn 2W là vừa, ẩm độ duy trì khô ráo, thoáng mát trong mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Thức ăn cho vịt trời
Thức ăn chủ yếu là cám, lúa và rau xanh (bèo, lục bình …). Dụng cụ đựng thức ăn có thể dùng nia, mẹt hay các thau công nghiệp đều được. Thức ăn phổ biến là cám con cò, tùy theo lứa tuổi của vịt tương ứng từng chủng loại thức ăn phù hợp. Nước uống cho vịt cũng phải là thức uống sạch, thông thường nên bổ sung B1, B-complex để phòng bệnh hô hấp và đường tiêu hóa cho vịt.
Hiện nay có nhiều mô hình nuôi khác nhau, tùy vào điều kiện đất đai rộng hay hẹp mà người chăn nuôi thiết kế chuồng nuôi và ao hồ cho phù hợp. Nhớ tiêm vacxin các bệnh như cúm gia cầm, bệnh tiêu hóa, tụ huyết trùng … đầy đủ.
Thời gian nuôi vịt trời thương phẩm từ 3-3,5 tháng. Khi xuất bán trọng lượng đạt từ 1,2-1,3kg/conm với giá trung bình 130.000 – 150.000đ/kg. Vịt trời được nuôi theo mô hình bán tự nhiên như trên có chất lượng thịt cao, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, thương lái thường đến tận trại để thu mua nên bà con có thể yên tâm về đầu ra ổn định của giống gia cầm này.