Công dụng không ngờ của nấm mộc nhĩ đen (nấm mèo)
Đặc biệt, với tính năng lương huyết và hoạt huyết, mộc nhĩ đen là một loại thực phẩm làm thuốc rất quý có tác dụng làm giảm cholesterol và cải thiện tuần hoàn huyết.
Mô tả: Mộc nhĩ đen còn gọi là nấm mèo đen hoặc là nấm tai mèo vì lúc còn tươi nấm có hình dạng trông giống tai mèo. Mặt ngoài tai nấm màu nâu nhạt, có lông mịn, mạch trong nhẵn màu nâu sẩm. Mộc nhĩ nguyên là một loại nấm mọc hoang trên những thân gỗ mục. Gần đây, mộc nhĩ được bán trên thị trường chủ yếu được trồng và chế biến theo phương pháp công nghiệp.
Thành phần: Mộc nhĩ đen chứa nhiều chất bổ dưỡng, nhất là sinh tố và khoáng chất. Trung bình trong 100g mộc nhĩ có chứa 10,6 g protid; 0,2g lipid; 65,5g glucid; 201g calci; 185mg phospho; 185mg sắt; 10,03mg caroten; 0,15mgvit B1; 0,55mgvit B2; 2,7mgvit PP.
Dược tính và công dụng.
Theo y học cổ truyền , mộc nhĩ đen có vị ngọt, tính bình, không có độc, có tác dụng lương huyết chỉ huyết, hoạt huyết nhuận táo, giải độc, ích khí dưỡng âm.
Căn cứ vào các y thư cổ, Đông y đã có truyền thống dùng mộc nhĩ dưới hình thức sao khô hoặc sao đen tán bột để chữa nhiều chứng xuất huyết như băng huyết, rong kinh, trĩ lở ra máu, tiểu ra máu, lỵ ra máu, ho ra máu.
Gần đây, các nhà khoa học đã đặc biệt lưu ý đến giá trị rất quý của mộc nhĩ đen qua tác dụng cải thiện thành mạch, làm giảm độ mỡ trong máu, ngăn chặn việc hình thành những mảng xơ vữa và quá trình ngưng kết tiểu cầu trong các bệnh về tim mạch.
Mặt khác, các nhà nghiên cứu về mộc nhĩ đen cũng quan tâm đến khả năng giải độc, khả năng kết dính những chất độc hại để thải ra ngoài theo đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu và cả tác dụng làm tiêu dị vật hoặc bào mòn các loại sỏi kết tụ trong cơ thể.
Mộc nhĩ đen không những chỉ có tác dụng nâng cao sức miễn dịch, có nhiều chất xơ và chất keo thực vật để thu hút chất độc hại mà có thể có cả một số hoạt chất chưa xác định có thể tạo ra những phản ứng hoá học làm bào mòn những dị vật hoặc những viên sỏi kết tụ trong cơ thể.
Vì những khả năng này, người ta khuyên những người mắc bệnh sỏi thận, sỏi mật hoặc sỏi bàng quang nên dùng nhiều mộc nhĩ đen. Cũng vậy, các bác sĩ chuyên về vệ sinh môi trường cũng khuyên những công nhân làm việc trong môi trường độc hại, nhiều khói bụi như công trường xây dựng, mỏ than, nhà máy xi măng… nên có mộc nhĩ đen trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Sau đây là gợi ý về việc sử dụng mộc nhĩ đen cho một số trường hợp bệnh lý.
Canh mộc nhĩ đen bồi dưỡng cơ thể, giảm mỡ máu, cải thiện chức năng tuần hoàn huyết:
Mộc nhĩ đen 1osb; Thịt nạc 100g; Đại táo 5 quả; Gừng sống 3 lát; Đổ vào 6 chén nước, nấu còn 2 chén; thêm gia vị vừa đủ dùng.
Cháo mộc nhĩ đen, bổ âm, nhuận phế, kiện tỳ, dưỡng vị:
Mộc nhĩ đen 10g; Gạo tẻ 100g (sao vàng); Thịt nạc 50g; Đổ vào 6 chén nước, nấu cháo, thêm gia vị vừa đủ dùng.
Canh mộc nhĩ, khổ qua phòng và trị cao huyết áp, tiểu đường:
Mộc nhĩ 10g; Khổ qua (mướp đắng) 50g; Đậu phụ 200g; Thêm gia vị vừa đủ, nấu canh ăn hàng ngày.
Chữa bệnh lỵ mãn tính:
Mộc nhĩ đen 30g (sao khô); Lộc giác sương 8g; Tán bột, trộn đều, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5g với nước ấm.
Chữa phụ nữ bị rong kinh, băng huyết:
Mộc nhĩ đen sao đen, tán bột. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g với rượu ấm.
Chữa bệnh trĩ lở loét, chảy máu:
Mộc nhĩ đen sao khô, tán bột. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g với nước ấm.
Chú ý: Những người thể tạng hư hàn, hay đầy bụng hoặc hay đi tiêu lỏng khi dùng mộc nhĩ đen nên dùng kèm 1 hoặc vài lát gừng tươi nướng sơ qua trên lửa.