Chi phí và lợi nhuận cho 1 vụ lúa
Trong sản xuất lúa, năng suất và chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào yếu tố chủ quan và cả khách quan…
Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu giúp nông dân có lãi cao
Về yếu tố khách quan, đó là thời tiết thuận lợi. Đây là yếu tố vũ trụ, con người khó kiểm soát. Tuy nhiên có kinh nghiệm và có kỹ thuật cao thì con người vẫn có thể khắc phục hay né tránh được các điều kiện khách quan để có được năng suất cây trồng cao và ổn định (trường hợp của Israel sống trên sa mạc mà vẫn sản xuất được mọi loại rau, cây trái năng suất cao, chất lượng tốt).
Về yếu tố lời, lỗ thì vừa phải kết hợp năng suất cao vừa phải kết hợp nguồn chi phí đầu tư hợp lý, bất kể giá bán cao hay thấp. Nhưng để có lời cao hơn thì sản phẩm phải bán được giá cao. Ví dụ, hai người sản xuất cùng đạt được năng suất 6 tấn/ha. Nhưng người thứ nhất có chi phí đầu tư 15 triệu đồng sẽ có tiền lời cao hơn người thứ 2 phải chi phí hết 22 triệu đồng/ha. Công việc này phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố chủ quan.
Vậy làm sao để thực hiện được các khoản chi phí thấp mà vẫn đạt được năng suất cao, chất lượng tốt?
Để trả lời câu hỏi này ta hãy tham khảo kết quả chương trình “Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” do Trung tâm KNQG phối hợp với Cty CP Phân bón Bình Điền đã thực hiện từ năm 2016 – 2017.
Các số liệu thu được trong tài liệu này do các cán bộ khuyến nông các huyện cùng theo dõi, tính toán với người nông dân mà có. Vả lại đây là số liệu thu được mỗi vụ từ 65 nông dân thực hiện tại 13 tỉnh ở ĐBSCL, đại diện cho các vùng tiểu sinh thái khác nhau, vì vậy các thông tin này rất đáng tin cậy.
1. Vụ ĐX 2015 – 2016 có tiêu đề “Từ ruộng vườn đến trường quay”. Mục tiêu là biến ruộng đồng thành trường học, cán bộ kỹ thuật và nông dân cùng nhau ra đồng để trao đổi về cách làm lúa có lời cao. Chỉ tiêu chủ yếu là sử dụng loại phân hợp lý, chưa đề cập đế giảm lượng giống sạ, lượng giống sạ giữa mô hình và trong ruộng của dân vẫn 140kg/ha.
Thế nhưng trong mô hình sử dụng loại phân Đầu Trâu có chất lượng cao, đầy đủ dinh dưỡng, dù đạm giảm xuống 29% nhưng năng suất lúa vẫn cao hơn đối chứng 754kg/ha. Bình quân 65 mô hình có chi phí 15.172.000đ/ha, bình quân ruộng đối chứng có chi phí 16.441.000đ/ha, cao hơn ruộng mô hình 1.269.000đ/ha . Nhờ vậy mà tiền lời thu được trong ruộng mô hình cao hơn đối chứng 7.760.000đ/ha.
2. Vụ HT 2016: Quy mô thực hiện cũng trải khắp 13 tỉnh ĐBSCL có 65 nông dân tham gia. Tiêu chí đặt ra là mô hình phải giảm lượng giống sạ còn 80kg/ha, đồng thời vẫn sử dụng phân Đầu Trâu để giảm số lượng bón. Áp dụng các kỹ thuật làm giảm phèn mặn, quản lý nước và sâu bệnh đồng bộ.
Chi phí của mô hình là 15.947.000đ/ha, ruộng đối chứng là 16.958.000đ/ha, cao hơn mô hình 1.101.000đ/ha. Năng suất ruộng mô hình cao hơn đối chứng 496kg thóc/ha. Nhờ vậy giá thành cũng hạ hơn đối chứng 420đ/kg thóc, cuối cùng ruộng mô hình vẫn có lời hơn đối chứng 3.660.000đ/ha.
3. Vụ ĐX 2016 – 2017: Xét về chi phí đầu tư cả mô hình và đối chứng tương đương nhau. Nhưng do mô hình có năng suất lúa cao hơn đối chứng 775kg/ha, cuối cùng lợi nhuận cũng cao hơn đối chứng 4.960.000đ/ha.
4. Vụ HT 2017: Về suất đầu tư thì mô hình vẫn giữ mức sạ 80kg, còn đối chứng dân vẫn sử dụng 150kg/ha và phân bón sử dụng cũng cao hơn mô hình, nên tổng chi phí của ruộng đối chứng bình quân 15 địa điểm là 17.551.429đ/ha, còn ở mô hình chi phí là 15.619.136đ/ha, thấp hơn ruộng đối chứng 1.932.293đ/ha.
Trong đó chi cho giống cao hơn mô hình 676.100đ/ha, phân bón 348.350đ/ha; thuốc bảo vệ thực vật 1.025.522đ/ha; chi phí khác 324.534đ/ha. Kết quả năng suất lúa khô của mô hình cao hơn đối chứng 601kg/ha, dẫn đến giá thành hạ 695đ/kg thóc nên lợi nhuận của mô hình cao hơn đối chứng 5.792.398đ/ha.