Cải thiện đường ruột heo con bằng cách kiểm soát pH
pH dạ dày của heo con sơ sinh ở mức độ vừa phải và giữ ở mức cao cho đến tận sau cai sữa. Bởi giai đoạn này cần độ pH thấp hơn để tiêu hóa tối đa protein và đảm bảo sức khỏe đường ruột.
Đặc điểm
Dạ dày có chức năng như là nơi dự trữ và tiêu hóa thức ăn. Thành dạ dày tiết ra dịch dạ dày chứa chủ yếu là nước với enzyme pepsin và axit chlohydric (HCl). Độ pH dạ dày ở heo trưởng thành được kiểm soát bởi quá trình tiết axit clohydric (HCl) từ niêm mạc dạ dày. Axit HCl là một axit vô cơ mạnh cần thiết để bắt đầu quá trình tiêu hóa protein. HCl kích hoạt tiền enzyme pepsinogen thành dạng hoạt hóa: pepsin – một loại protease chính của đường tiêu hóa. Men pepsin chỉ hoạt động trong môi trường axit và dịch dạ dày có độ pH khoảng 2. Pepsin giúp tiêu hoá protein và sản phẩm là polypeptit và ít axit amin. Heo trưởng thành có pH dạ dày tương đối thấp (2 – 3, hoạt lực axit mạnh), cần thiết để tiêu hóa các loại protein thực vật
Heo sơ sinh có pH dạ dày khá cao (5 – 6) nhờ khả năng đệm mạnh mẽ của sữa non. Điều này được coi là cần thiết và thậm chí có lợi cho sức khỏe lâu dài của vật nuôi. Thông thường, các vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế trong dạ dày là Lactobacillus và Bifidobacterium, còn trong ruột có cả một tập hợp nhiều vi khuẩn. Tuy nhiên, sau vài giờ bú đầu tiên, pH dạ dày giảm xuống khoảng 4 và ổn định cho đến khi cai sữa, trong hầu hết trường hợp thông thường là thời gian 3 – 4 tuần đầu tiên sau cai sữa. Sau đó, pH dạ dày giảm dần cho đến khi nó đạt đến mức ở tuổi trưởng thành (2 – 3).
Cai sữa là một quá trình không thể tránh khỏi nhiều yếu tố gây stress cho heo con, trong đó có thức ăn bị chuyển từ sữa mẹ dễ tiêu sang thức ăn khẩu phần khó tiêu hóa hơn. Hơn nữa, vì lúc này hệ tiêu hóa phát triển chưa hoàn chỉnh nên heo con thường không sản xuất đủ HCl trong dạ dày để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Bởi vì heo con đột ngột bị giảm nguồn cơ chất để sản xuất axit lactic sau khi cai sữa nên dẫn đến mức pH tăng cao trong dạ dày. Kết quả là pH cao này không thích hợp cho hoạt động của một số enzyme tiêu hóa như là pepsin. Taylor (1959) đã báo cáo rằng pepsin có hai mức pH tối ưu (2 và 3,5), hoạt tính của nó giảm khi pH > 3,6 và mất hoạt tính ở pH > 6.
Vai trò
Khả năng tiêu hóa và sử dụng các dưỡng chất cũng như sức khỏe của heo con chịu ảnh hưởng nhiều bởi pH trong đường tiêu hóa. Ravidran và Kornegay (1993) đã chứng minh một số ảnh hưởng bắt nguồn từ pH cao trong dạ dày. Thứ nhất, pH cao không thích hợp cho hoạt động của pepsin trong dạ dày nên protein thức ăn có thể xuống ruột non mà chưa được tiêu hóa hoàn toàn, cuối cùng làm giảm hiệu quả tiêu hóa protein. Thứ hai, các sản phẩm từ sự tiêu hóa bằng pepsin cũng kích thích tuyến tụy tiết enzyme phân giải protein và axit dạ dày là nguyên nhân chủ yếu kích thích sự phân tiết bicarbonate từ tuyến tụy. Và cuối cùng, thức ăn không được lưu lại dạ dày lâu để tiêu hóa mà đi vào ruột non nhanh hơn, vì độ axit trong dạ dày đóng một vai trò trong cơ chế hồi phản để điều hòa tốc độ làm trống dạ dày. Như vậy, thức ăn xuống phần sau của đường tiêu hóa mà chưa được tiêu hóa hoàn toàn, vi khuẩn gây bệnh có thể sử dụng để phát triển. Hậu quả cuối cùng là gây tiêu chảy và tăng trưởng kém.
Hơn nữa, môi trường pH cao có thể tạo thuận lợi cho một số loại vi khuẩn, đặc biệt là Coliform (Sissons, 1989). Độ pH dạ dày cao có thể cho phép vi khuẩn có hại sống sót đi qua dạ dày, xâm nhập và phát triển trong ruột, mà đã thấy có liên quan đến tiêu chảy và tăng tỷ lệ chết (Smith và Jones, 1963).
Giải pháp kiểm soát
Rõ ràng, pH dạ dày có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiêu hóa protein của heo con, là nguyên nhân gây tăng trưởng kém trên heo. Vì vậy, để hệ đường ruột heo khỏe mạnh, cần thiết phải thực hiện các biện pháp sau:
Cần giảm hàm lượng đạm trong thức ăn. Khẩu phần đạm thấp được tổ hợp từ các nguồn protein tốt có tỷ lệ tiêu hóa cao được khuyến cáo mạnh mẽ trong những ngày đầu sau cai sữa. Trong trường hợp này các loại đạm thực vật tinh chế (từ đậu nành, lúa mì, hạt họ đậu…) đạm nguồn gốc động vật (sản phẩm từ huyết, đạm trứng, bột cá) hoặc các sản phẩm từ sữa bò được các chuyên gia đánh giá rất cao và khuyến khích sử dụng
Cùng đó, thực hiện chế độ ăn đặc biệt. Thông thường nếu như cho ăn tự do (thường được sử dụng với heo cai sữa) làm cho hệ tiêu hóa non nớt bị quá tải, thì nên áp dụng biện pháp cho ăn hạn chế trong một khoảng thời gian nhất định (thường 2 – 5 ngày sau cai sữa là đủ). Kéo dài việc cho ăn hạn chế sẽ làm giảm hiệu quả chăn nuôi.
Vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất là bổ sung acid lactic hay các acid hữu cơ khác vào khẩu phần sau cai sữa luôn luôn có tác dụng cải thiện hiệu quả chăn nuôi, thường do đặc tính kháng khuẩn của acid hơn là đặc tính hạ pH đường ruột. So sánh với các thức ăn bổ sung khác, acid hữu cơ được đánh giá là có lợi ích cao nhất đối với thành tích chăn nuôi. Ở đây, việc lựa chọn acid nào tốt nhất không quan trọng mà điểm mấu chốt thành công là tìm kiếm được một loại acid hữu cơ phù hợp với thành phần protein trong khẩu phần ăn. Theo các nghiên cứu trước đây, việc bổ sung acid hữu cơ có lúc lên tới con số 20 kg/tấn thức ăn, tuy nhiên, việc sử dụng với lượng 10 kg/tấn cho kết quả khả thi hơn. Bởi, một số acid có tính ăn mòn cao và đôi khi làm giảm lượng ăn vào ở liều cao như vậy. Hiện nay, trên thực tế vì một số lý do về chi phí hay mục đích marketing khác nhau, nên các nhà sản xuất thường bổ sung liều sử dụng acid hữu cơ ở mức 1 – 2 kg/tấn. Với liều như thế này sẽ dường như không có tác dụng gì trong đường tiêu hóa, ngoại trừ thức ăn hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh quá nặng. Hơn nữa, nó cũng không có khả năng cải thiện việc tiêu hóa đạm trên heo con.
>> Theo kết quả một nghiên cứu trên heo con (khối lượng 7 – 30 kg) ở Đan Mạch thì chênh lệch về tăng trọng hàng ngày của heo ăn khẩu phần đối chứng (không bổ sung acid hữu cơ) và thí nghiệm (bổ sung acid hữu cơ) là 40%, trong khi chênh lệch này ở khẩu phần bổ sung hương liệu, probiotic, enzyme chỉ là 19%, 14% và 9% (thứ tự lần lượt).