Cách Dùng Màng Phủ Nông Nghiệp Để Trồng Dưa Hấu
Sử dụng màng phủ nông nghiệp để trồng dưa hấu trong mùa mưa có tác dụng giúp cây không bị lạnh ở vùng rễ, vậy hiện giờ tôi muốn trồng lại vụ từ 15 tháng Chạp có nên dùng bạt để phủ nữa hay không? Cát và màng phủ có quá nóng làm hại tới cây trồng hay không? Khi trồng 2 vụ dưa liên tiếp có nên rải vôi hay không, liều lượng thế nào ? Để phòng chống ruồi đục trái hại quả dưa non, tôi dự tính lấy giấy xếp hình phễu úp lên nụ liệu có hại gì không ?
NNVN trả lời:
Trong những năm gần đây việc sử dụng màng phủ nông nghiệp (màng nilon, bạt Plastic…) trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất rau màu và cây ăn quả đưa lại nhiều lợi ích, hiệu quả kinh tế cao và được coi là một TBKT mới, được nông dân nhiều nơi chấp nhận nhờ những ưu điểm sau đây:
– Bạt Plastic có 2 mặt: Một màu trắng bạc ở phía trên mặt đất phản chiếu ánh sáng mặt trời, tạo điều kiện cho cây trồng nhận được nhiều ánh sáng hơn (nhất là trong vụ đông xuân thường thiếu ánh sáng, trời ít nắng) cây quang hợp tốt hơn. Mặt khác, nhờ tính phản quang này mà không làm cho nhiệt độ đất tăng thêm trong các tháng mùa nóng do đó không ảnh hưởng đến vùng rễ và cây trồng. Màu đen ở phía dưới che phủ toàn bộ rễ trong bóng tối giúp cho rễ phát triển tốt hơn. Về mùa đông, do nhiệt độ thấp nên màng phủ còn có tác dụng giữ nhiệt cho đất, giúp cho cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
– Mặt luống được phủ kín bằng bạt Plastíc sẽ hạn chế được phát sinh, phát triển của cỏ dại, giảm được nhiều chi phí do không phải làm cỏ, không phải xới xáo. Màng phủ nông nghiệp có tác dụng hạn chế được sự bốc hơi nước trong đất, luôn giữ cho đất ẩm, tiết kiệm được lượng nước tưới. Nhờ có phủ bạt Plastíc mà chống được hiện tượng rửa trôi phân bón, chống được xói mòn nên tiết kiệm được phân bón, cây hấp thụ được lượng dinh dưỡng tối đa, do đó hiệu quả hơn trồng bằng các phương pháp thông thường. Một ưu điểm nữa rất quan trọng của việc phủ bạt Plastíc là hạn chế được sự xâm nhập của các loại sâu, bệnh trực tiếp từ mặt đất. Nếu không có màng phủ nông nghiệp các bào tử nấm, vi khuẩn, ấu trùng và trứng của các loại côn trùng có thể theo nước mưa hoặc nước tưới bắn lên và bám vào thân, lá cây và ngay cả các quả dưa để gây hại.
Muốn trồng dưa hấu cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít bị sâu bệnh gây hại thì nên trồng luân canh và thâm canh thật tốt. Nghĩa là nếu có điều kiện về đất đai, bạn nên trồng dưa sang ruộng khác để tránh nguồn bệnh nhất là các loại nấm gây hại dưa hấu nói riêng và các cây họ bầu bí nói chung thường tồn lưu trong đất khá lâu. Nếu không có điều kiện thì nên rải vôi bột với lượng khoảng 50-60kg cho 1 công đất (1.000m2) vừa cải tạo độ chua đồng thời diệt trừ các mầm bệnh rồi cày vùi đất, làm đất kỹ trước khi xuống giống từ 1 đến 2 tháng.
Để hạn chế ruồi đục trái gây hại trên quả bạn nên sử dụng phương pháp treo bẫy dẫn dụ để đánh diệt như bạn đang làm là tốt nhất. Nếu bạn làm tốt khâu này thì không lo đến việc dưa thui chột do bị ong châm nữa. Mặt khác dưa hấu thụ phấn để đậu trái chủ yếu nhờ gió và côn trùng như ong, bướm… do đó không nên dùng phễu giấy để chụp nụ lại