Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Các thiệt hại trên ruộng lúa – Phần 2

CÔN TRÙNG HẠI LÚA (Insects)

1/ Nhóm côn trùng phá hại lúa ở giai đoạn thành trùng

1.4 Rầy bông (Zig-zag leafhopper: Recilia dorsalis) (Hình 8.4) 

Rầy bông cũng sống trên lá lúa, kích thước to hơn rầy nâu nhưng nhỏ hơn rầy xanh. Toàn thân rầy bông có màu xám với vệt nâu đậm hình chữ Z trên cánh nên còn gọi là rầy zig-zag. Cách phá hại và biện pháp phòng trừ cũng giống như đối với rầy xanh. Ngoài tác hại trực tiếp, rầy bông còn truyền bệnh lùn có bướu, tungro và vàng cam. Trong số các loại rầy thì rầy nâu và rầy lưng trắng là loại rầy sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở phần gốc lúa, còn rầy xanh và rầy bông sống ở trên lá.

Hình 8.4. Hình dạng rầy bông

Hình 8.5. So sánh kích thước rầy bông, rầy nâu và rầy xanh

Ngoài ra còn có rầy Châu Mỹ (Sogatodes oryzicola) xuất hiện chủ yếu ở châu Mỹ và là tác nhân truyền bệnh hoja blanca hay bệnh lá trắng. Thành trùng cũng có 2 dạng cánh dài và cánh ngắn (hình 8.6). Rầy này không quan trọng ở Việt Nam

Hình 8.6. Rầy Châu Mỹ (Sogatodes oryzicola)

1.5 Bọ xít hôi (Bồ hút) (Rice bug: Leptocorisa oratorius) (Hình 8.7) 

Bọ xít có thân hình thon dài màu xanh hơi nâu, chân và râu đều dài, sống trên bông lúa, rất di động. Bọ xít chích hút chủ yếu trên hạt lúa vào giai đoạn ngậm sữa làm hạt lúa bị lép hoặc lửng, để lại vết nâu đen, ở giữa màu xám trên vỏ trấu. Chúng đẻ trứng to và xếp thành từng hàng trên phiến lá. Đây là loại bọ xít quan trọng nhất  trong nhóm bọ xít, hiện nay chưa có giống lúa nào kháng được. Khi có 5 – 10 con bọ xít hôi trên 1,2 m thì phòng trừ ngay bằng cách xịt các loại thuốc trừ sâu. Điều lưu ý là bọ xít hôi rất di động vào ban ngày rất khó bị trúng thuốc, do đó nên xịt thuốc vào lúc chiều tối chúng đã kém di động đi thì mới có hiệu quả tốt. Kinh nghiệm dân gian còn đốt phân trâu bò khô trên bờ ruộng để thu hút bọ xít hôi tập trung lại dễ tiêu diệt.

Hình 8.7. Bọ xít hôi và cách gây hại

1.6 Bọ gai (Hispa: Hispa armigera) (Hình 8.8) 

Bọ gai cắn phá cây lúa từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành. Thành trùng bọ gai cạp nhẵn mặt trên của phiến lá xuống đến lớp hạ bì để lại những vết trắng trên phiến lá. Thông thường các hàng lúa bìa bị tấn công trước, vì bọ gai ẩn trong các cây lúa rày mọc hoang ven bờ hoặc lúa chét từ các ruộng lân cận. Bọ gai đẻ trứng ở phần dưới mặt lá. Bọ con khi nở ra chui vào đục phá tế bào lá luồng giữa hai tầng ngoại bì, tạo ra những đường rỗng nhỏ li ti có hình dáng không đều. Bọ con và nhộng rất dễ nhận ra trong các mô lá. Mỗi chu kỳ sinh trưởng của bọ gai kéo dài 3-4 tuần lễ. Phòng trừ bọ gai bằng cách phun thuốc trừ sâu lên tán lá.

Hình 8.8. Bọ gai và cách gây hại