Các thiệt hại trên ruộng lúa – Phần 1
Khi việc sản xuất lúa ngày càng phát triển, vấn đề thâm canh tăng vụ được đẩy mạnh, cây lúa có mặt ở khắp nơi và hầu như quanh năm lúc nào trên đồng ruộng cũng có cây lúa ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Thêm vào đó, để đạt được năng suất cao người ta phải sử dụng rất nhiều phân bón, nhất là phân đạm. Lượng phân bón không cân đối và không đúng yêu cầu sinh trưởng của cây lúa. Sự hiểu biết về sâu bệnh và biện pháp phòng trừ của nông dân có giới hạn. Đó là những điều kiện tốt cho sâu bệnh bộc phát, lưu tồn và phát triển, làm gia tăng thiệt hại cho ruộng lúa và làm giảm sút năng suất, có khi đến mất trắng.
Tùy theo đối tượng, và cách thức gây hại ta có thể chia làm hai nhóm: côn trùng và bệnh.
– Nhóm côn trùng: là nhóm các động vật có 3 đôi chân, trực tiếp phá hại lúa ở giai đoạn thành trùng và/hoặc chỉ phá hại lúa ở giai đoạn ấu trùng mà thôi.
– Nhóm bệnh: bao gồm những thiệt hại mà tác nhân không thấy được hoặc rất khó nhận thấy bằng mắt thường, ta chỉ có thể phát hiện thông qua triệu chứng thiệt hại trên cây.
Ngoài ra, các rối loạn về sinh lý do dinh dưỡng bất thường, đặc biệt là các hiện tượng ngộ độc do môi trường đất, cũng được đề cập đến trong chương này. Sau đây là một số đối tượng gây hại chính trên ruộng lúa trên đồng bằng sông Cửu Long.
CÔN TRÙNG HẠI LÚA (Insects)
1/ Nhóm côn trùng phá hại lúa ở giai đoạn thành trùng
1.1. Rầy nâu (Brown planthopper: Nilaparvata lugens Stal.)
Rầy nâu rất nhỏ, con trưởng thành (thành trùng) chỉ to bằng hạt gạo, màu nâu. Có 2 dạng rầy cánh ngắn và rầy cánh dài, chúng sống quanh gốc lúa ngay phần bẹ lá, phía trên mặt nước. Rầy nâu sinh sản và phát triển rất nhanh. Mỗi lứa, rầy cái đẻ hàng trăm trứng trong bẹ lá. Trứng nở ra rầy con (ấu trùng) chỉ to bằng hạt tấm, hạt cám, màu trắng ngà nên được gọi là rầy cám hay mò cám. Rầy con phải trải qua 5 lần lột xác để trở thành rầy trưởng thành (thành trùng) (Hình 8.1). Rầy nâu có thể xuất hiện vào bất cứ giai đoạn sinh trưởng nào của cây lúa. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, thức ăn đầy đủ thì từ lúc trứng nở đến khi trưởng thành chỉ mất khoảng 15-20 ngày. Do đó, trong 1 vụ lúa 3 tháng, có thể có 3 lứa rầy nối tiếp nhau, lứa sau nhiều hơn lứa trước. Mật số rầy được tích lũy ngày càng cao, đến lúc có thể gây hại cho ruộng lúa. Có 2 nhóm rầy nâu giống nhau về hình dạng và tập quán sinh sống, chỉ khác nhau về mặt kích thước. Rầy nâu nhỏ (Laodelphax striatellus) có kích thước nhỏ hơn và màu sắc đen hơn nhóm rầy nâu thường gặp (hình 8.1B).
Tác hại trực tiếp của rầy nâu là chích hút nhựa, làm cho cây lúa suy yếu, phát triển kém, lá vàng úa, rụi dần và khô héo đi gọi là “cháy rầy”. Tác hại gián tiếp của rầy nâu là truyền các bệnh siêu vi khuẩn cho lúa như bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá, vàng lùn. Rầy nâu nhỏ truyền bệnh lùn sọc đen.
Cách phòng trị hữu hiệu nhất là dùng các giống lúa kháng rầy nâu, làm vệ sinh đồng ruộng để rầy không còn chổ ẩn nấp. Bố trí thời vụ sớm và tập trung để cắt đứt nguồn lưu tồn lây lan của rầy. Thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trị kịp thời. Dùng bẩy đèn để theo dõi mật số của rầy nâu trong vùng và diệt các con rầy có cánh từ các nơi khác mới tới.
Hình 8.1. Hình dạng và vòng đời của rầy nâu (A) và rầy nâu nhỏ (B)
Khi ruộng đã bị rầy, có thể dùng dầu gasoil hay nhớt cặn trộn với thuốc sát trùng rãi giữa các hàng lúa cho lan ra khắp ruộng, xong dùng xào tre gạt cây lúa cho rầy rơi xuống nước sẽ bị dính thuốc chết. Dùng các loại thuốc đặc trị rầy nâu, xịt đều khắp ruộng ở phần gốc lúa. Nếu ruộng có nước 5 – 10 cm, có thể dùng thuốc hạt rãi hoặc thả vịt con 1 tháng tuổi cho ăn rầy. Bẩy đèn cũng là biện pháp hữu hiệu để diệt rầy có cánh di trú và quan trọng hơn là theo dõi được sự phát triển của các lứa rầy theo thời gian, căn cứ vào mật số rầy vào đèn, từ đó, có thể quyết định thời điểm xuống giống “né” rầy, hoặc chủ động biện pháp phòng trừ hiệu quả.
1.2 Rầy lưng trắng (White-back planthopper: Sogatella furcifera) (Hình 8.2)
Rầy lưng trắng rất giống với rầy nâu về hình dạng, kích thước và tập quán sinh sống, chỉ khác ở chổ rầy lưng trắng trưởng thành có cánh màu trắng đục và có một vệt trắng trên giữa lưng. Cách phòng trị cũng giống như rầy nâu. Cần lưu ý là các giống lúa phổ biến hiện nay chưa có giống nào kháng được như rầy lưng trắng.
Hình 8.2. Hình dạng của rầy lưng trắng
1.3 Rầy xanh (Green leafhopper: Nephotettix spp.) (Hình 8.3)
Rầy xanh lớn hơn rầy nâu đôi chút, toàn thân và cánh có màu xanh, cuối cùng có vệt đen nên còn gọi là rầy xanh đuôi đen. Ở con cái còn có một chấm đen to ở giữa cánh rất dễ nhận diện. Có 3 loại rầy xanh thường gặp trong ruộng lúa ở vùng nhiệt đới là N. virescens, N. cincticepa và N. nigropictus. Chúng sống trên lá lúa, cũng hút chích nhựa và gây cháy rầy. Có thể dùng các loại thuốc trừ sâu thông thường cũng diệt được rầy xanh. Đối với rầy xanh thì xịt thuốc đều trên lá lúa. Rầy xanh còn truyền bệnh siêu vi khuẩn: Tungro và vàng lùn.
Hình 8.3. Hình dạng và trứng của rầy xanh