Biện pháp hạn chế hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống
Để khắc phục hiện trạng trên, bà con có thể tham khảo một số biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hao hụt lươn ở giai đoạn đầu thả giống như sau:
Chọn giống: Nên chọn con giống có màu vàng sẫm, vì loại này có sức sống và tăng trưởng tốt; những con màu đen hoặc xám tro nuôi chậm lớn. Cỡ giống thả tốt nhất từ 40 – 60 con/kg. Giống quá nhỏ, khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn thì khi mua, bà con nên lưu ý nguồn giống.
Thuần dưỡng: Trước khi thả vào bể thuần dưỡng phải tắm lươn. Pha thuốc tắm: 200g muối/10 lít nước hòa tan tắm từ 20 – 30 kg lươn giống, thời gian tắm là 1 phút rồi cho lươn vào bể dưỡng.
Bể dưỡng có thể là bể nilon hay bể lót bạt, mật độ dưỡng là 4 – 6 kg/m2, chiều sâu nước là 0,1 – 0,2m. Trong bể dưỡng đặt giá thể như: lục bình, rau muống, rau dừa, dây nylon… Thời gian dưỡng từ 5 – 10 ngày tùy theo nguồn giống. Khi không còn thấy lươn yếu, lươn chết, mà bơi lội nhanh nhẹn thì có thể thả vào bể nuôi. Lưu ý: Trong suốt thời gian thuần dưỡng không được cho lươn ăn và phải thay nước ít nhất 2 lần/ngày; đồng thời phải loại bỏ ngay những con chết, con yếu.
Vận chuyển: Nên dùng vật dụng trơn láng để chứa lươn và cho thêm một ít nước, giá thể như rau dừa, lục bình, dây nylon để che mát và tạo chỗ trú ẩn cho lươn nhằm giảm xây xát. Chiều cao lớp lươn vận chuyển không quá 20 cm, vì quá cao, lớp lươn phía dưới bị đè và khó tiếp xúc được với oxy để hô hấp, lươn bị mất nhớt. Không nên vận chuyển lươn trong những vật dụng kín, bề mặt tiếp xúc nhỏ, lươn khó tiếp xúc với oxy để hô hấp.
Giai đoạn đầu thả giống, lươn thường bị sốc môi trường, biểu hiện là lươn xáo trộn trong bể, quấn vào nhau, tiết nhiều nhớt, ngoi đầu lên thở. Những con nặng, đầu sưng phồng lên, xuất huyết và chết hàng loạt. Để phòng bệnh này nên tắm lươn trước khi dưỡng như nêu trên.
Tags: bien phap han che hao hut luon, ky thuat nuoi luon, tha luon giong, nuoi luon