Bệnh Trên Cây Dưa Hấu
Dưa hấu trồng được 20 ngày tuổi, sau vài trận mưa lớn, lá chân đang xanh tốt thì xuất hiện những vết tròn màu nâu giữa lá, bìa lá cháy khô; khoảng 3 -4 ngày sau toàn bộ lá chân bị cháy, rụi dần. Nông dân trồng dưa ở địa phương tôi gọi là “cháy lá cấp tính”. Xin hỏi đây là bệnh gì, nguyên nhân và cách phòng trị ra sao?
Dưa hấu trồng vụ thu đông (tháng 8 – 10 dương lịch) đúng vào cao điểm mùa mưa ở miền Nam, lúc nắng thì nhiệt độ cao, khi mưa thì thừa ẩm. Thời tiết đã như vậy lại cộng với dinh dưỡng và nước tích luỹ trong bản thân cây dưa cao, chính là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh hại phát triển gây hại. Theo mô tả trên, cộng với nhiều lần đi thực tế tại các vùng trồng dưa ở Chợ Gạo, Tân Phước và Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi xác định đây là bệnh thán thư gây hại chủ yếu và nghiêm trọng cho cây dưa hấu vụ thu đông…
Qua kết quả của nhiều điểm thử nghiệm phòng trừ bệnh thán thư trên dưa hấu tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vào cuối tháng 8/2005 vừa qua, chúng tôi xin đề nghị một số biện pháp phòng trừ như sau:
1- Phát hiện bệnh sớm: Khi thấy 1-2 vết bệnh trên lá chân, quan sát kỹ thấy mặt trên vết bệnh ẩn những đường vân tròn đồng tâm, mặt dưới vết bệnh màu xanh ướt nổi hạt lấm tấm như da gà, cộng với tiết trời nóng ẩm, có mưa nhiều thì chính xác đó là bệnh thán thư.
2- Tạm ngưng phun phân qua lá có chứa nhiều dinh dưỡng làm cây “sung” tốt: Bà con thường phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao và chất kích thích sinh trưởng (KTST) định kỳ 5-7 ngày/ lần cho cây dưa “sung” hoặc có thói quen pha chung phân và chất KTST với các thuốc trừ sâu bệnh khác. Điều này làm bệnh phát triển nặng thêm, làm giảm hiệu lực thuốc trừ bệnh…và như thế bệnh cứ dây dưa không hết.
3- Sử dụng công thức thuốc trừ bệnh hỗn hợp: Những thuốc có tác dụng tiếp xúc ngăn ngừa bệnh tấn công cây, bảo vệ cây từ bên ngoài, cộng với các thuốc có tác dụng nội hấp lưu dẫn, tiêu diệt nấm bệnh đã xâm nhập vào bên trong cây tạo thành một hỗn hợp có hiệu lực cao với bệnh thán thư.
Bà con có thể áp dụng các công thức sau:
– DIPOMATE 80WP (thuốc tiếp xúc) + CARBENZIM 500FL (thuốc nội hấp) hoặc DIPOMATE 80WP + THIO-M 500SC (thuốc nội hấp) hoặc DIPOMATE 80WP + BENDAZOL 50WP (thuốc nội hấp). Có thể thay Dipomate bằng ZIN 80WP hiệu quả cũng rất tốt.
Chú ý: Phun liên tục 2 lần cách nhau 5-7 ngày. Mỗi loại thuốc khi phối hợp có thể giữ nguyên liều lượng trên bao bì như khi phun đơn trong trường hợp bệnh phát triển nhiều. Phun kỹ ướt đều 2 mặt lá, nhất là lá gốc. Trên trái cũng phun liên tục 2 lần khi trái có đường kính cỡ miệng chén. Phun khi trời mát.
Các công thức thuốc bệnh trên còn phòng trừ tốt các bệnh bã trầu (do nấm Mycosphaerella citrullina), bệnh lở cổ rễ làm héo dây (do nấm Rhizoctonia solani) cũng gây hại nhiều trong vụ thu đông này.