Bệnh rận cá
Cá bị Argulus ký sinh có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm. Khi bị nhiễm với cường độ cao có thể gây chết rải rác hay hàng loạt.
2. Tác nhân gây bệnh
Bệnh này do một số loài thuộc giống Argulus Miiler gây nên. Giống Argulus từ ấu trùng đến trùng trưởng thành đều sống ký sinh. Cơ thể dẹp, rộng hình bầu dục. Màu sắc giống ký chủ, hình dạng giống con rận nên còn gọi là rận cá. Mặt bụng phía đầu của rận có một đôi giác hút để bám chặt vào da cá và một gai miệng để chọc thủng da ký chủ. Rận đẻ trứng, mỗi lần đẻ từ 250-300 trứng. Trứng bám vào một số loại giá thể như đá và các loài thực vật thuỷ sinh.
3. Phân bố và lan truyền bệnh.
– Rận cá thường ký sinh trên da, mang, vây, hốc mắt, hốc mũi và miệng của một số loài cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Ở Việt Nam, trong các thuỷ vực nước ngọt, rận cá ký sinh chủ yếu trên da các loài cá như trắm cỏ, mè trắng, mè hoa, cá chép, cá diếc, lóc bông…, ký sinh trên cá ở tất cả các giai đoạn phát triển, nhưng ở cá lớn chỉ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, cũng có thể gây chết; cá giống cỡ 1-2cm nếu bị 3-4 trùng ký sinh ở nhiệt độ 28-30 độ C sau vài ngày có thể làm cho cá chết.
– Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng xuất hiện nhiều vào vụ xuân và đầu hè.
4. Phòng và trị bệnh
– Diệt trứng và ấu trùng cần tát cạn ao, dọn sạch đáy, dùng vôi tẩy ao và phơi khô đáy ao trước khi thả cá vào nuôi. Nuôi cá lồng thường xuyên treo túi vôi liều lượng 2-4kg/10m³ lồng.
– Để trị bệnh có thể dùng thuốc tím tắm cho cá bệnh nồng độ 10 ppm trong thời gian 30 phút, hoặc nước muối 2-4%.
– Dùng Seaweed 2-2.5 lít/1.000 m³ nước, mỗi tuần xử lý một lần, trong 2 tuần
Tags: benh ran ca, nuoi ca, nuoi thuy san