Nuôi Ốc Hương, Trồng Rong Sụn Cải Tiến
Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Ninh Thuận khuyến cáo mô hình nuôi ốc hương và trồng rong sụn với cách nuôi trồng cải tiến có nhiều ưu điểm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ở vùng ven biểnTrung tâm khuyến nông, khuyến ngư Ninh Thuận khuyến cáo mô hình nuôi ốc hương và trồng rong sụn với cách nuôi trồng cải tiến có nhiều ưu điểm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ở vùng ven biển
Nuôi ốc hương trong đăng, lồng
Chọn vị trí đặt lồng hoặc cắm đăng nuôi ở vùng nước trong sạch, chất đáy cát hoặc cát san hô, ít bùn, có độ mặn từ 25 – 35 phần ngàn và ổn định. Nguồn nước không bị ảnh hưởng nước ngọt do tác động nước sông vào mùa mưa. Lồng, đăng làm chắc chắn, có lưới bảo vệ bên ngoài ngăn không cho cá dữ, cua, ghẹ lọt vào ăn ốc. Độ sâu đặt lồng hoặc cắm đăng từ 1,5 m nước trở lên. Đăng nuôi phải chôn sâu xuống dưới cát ít nhất 10 cm để tránh ốc chui ra ngoài. Độ cao lưới cắm đăng phải vượt qua mức nước triều cao nhất 1 m để ốc không bị sóng đánh ra ngoài. Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra lưới, phát hiện kịp thời dịch hại, làm vệ sinh lồng lưới để nước lưu thông. Lồng nuôi phải được chôn sâu dưới lớp cát đáy 5 cm để có nền cát cho ốc vùi mình. Kích cỡ giống thả tối thiểu 8.000 – 10.000 con/kg trở lên, mật độ thả 500 – 1.000 con/m2. Thức ăn dành cho ốc hương là cá, cua, ghẹ, trai nước ngọt, don, sút… Theo dõi lượng thức ăn thừa hàng ngày để điều chỉnh hệ số thức ăn phù hợp. Chú ý, trường hợp nuôi lâu đáy lồng quá bẩn, có mùi hôi, ốc sẽ không ăn và yếu dần, lúc này cần chuyển lồng sang vị trí mới. Nếu nuôi trong đăng cắm cố định cần ngăn thành nhiều ngăn, cần chuyển sang ngăn mới khi ngăn cũ nuôi lâu ngày đáy bẩn, hôi. Từ 4 – 5 tháng, tùy điều kiện môi trường nuôi, quản lý chăm sóc, ốc nuôi đạt kích cỡ 90 – 130 con/kg có thể thu hoạch.
Trồng rong sụn cải tiến
Có nhiều mô hình trồng rong sụn, trồng bằng hình thức dàn căng trên đáy có nhiều ưu điểm. Mô hình này có thể áp dụng trồng bãi ngang vùng triều đáy cát, cát bùn, sỏi đá nhỏ trên nền cát, ven đầm phá, vũng, vịnh ven biển và ven đảo, nơi có mức thủy triều rút thấp nhất còn 0,5 – 1,2 m. Cách trồng rong sụn dàn căng trên đáy ở các bãi, vịnh ít sóng gió như sau: trước tiên là chọn khu vực bằng phẳng, dọn sạch rong tảo và các thực vật khác. Dùng cọc tre có đường kính 3 – 5 cm, dài 1 – 1,2 m đóng thành hàng xuống đáy, cách nhau 0,7 – 1 m, hai hàng cọc cách nhau 10 m, ở khoảng giữa có thể xen cọc phụ. Các hàng cọc đặt thẳng góc với hướng gió để sau này dây rong song song hướng gió. Cọc ở góc có thể dùng dây neo cố định tăng độ vững chắc. Buộc dây căng bằng sợi cước nylon đường kính 1 – 2 mm ở giữa hai hàng cọc. Dây căng cách đáy 0,2 – 0,5 m, trên các dây căng có buộc các phao để cố định cách mặt nước 0,3 – 0,4 m. Dùng dây mềm cắt đoạn 20 cm, một đầu buộc vào bụi rong giống, đầu kia buộc vào sợi dây căng.
Ở các bãi triều, khu vực có nước sâu thì trồng theo phương pháp giàn bè có phao nổi. Bố trí bằng cách dùng gỗ hoặc tre dài 4 – 5 m làm thành khung hình chữ nhật có kích thước 3 x 4 m, xung quanh bao lưới làm giảm sóng, tránh cá tạp ăn rong. Dùng dây thừng hay dây nylon đường kính 0,25 – 1 cm buộc các cạnh nối nhau. Buộc các dây căng trong khung thành từng dãy cách nhau 0,4 m, hàng cách hàng 0,4 m. Các đầu góc khung trồng buộc dây và neo chặt xuống đáy, trên buộc với các phao nổi…