Gây giống và nuôi bán nhân tạo sò huyết (Tegillarca granosa) ở Trung Quốc – Phần 2
3. Gây giống bán nhân tạo
Hiện nay, việc gây giống nhân tạo tuy đã thành công nhưng số lượng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
Vì thế, giống chủ yếu của nghề nuôi sò chính là sò tự nhiên, người ta phải khai thác sò giống sống trong tự nhiên về nuôi thành sò thương phẩm.
3.1 Vụ sò
Thời kỳ sinh sản của sò huyết ở phía Nam Trung Quốc tương đối dài.
Tại vùng duyên hải tỉnh Quảng Ðông có 4 vụ sò chủ yếu, đó là :
– Vụ thu : Bắt đầu từ tiết Bạch lộ đến tiết Thu phân; ở vụ này, sò sinh trưởng nhanh, đạt kích cỡ lớn, nhưng số lượng thấp;
– Vụ giáng : Tính từ tiết Hàn lộ đến Sương giáng; năng suất cao, chất lượng tốt; – Vụ đông : Trước, sau Lập đông, chất lượng khá, số lượng thấp;
– Vụ xuân : Tiểu hàn và Ðại hàn; chất lượng sò giống kém, năng suất thấp.
3.2. Ruộng gây giống sò huyết
Ðể thu hoạch sản lượng sò giống cao trên một diện tích nhỏ, tác giả đã cùng đồng nghiệp tiến hành cuộc thử nghiệm ảnh hưởng của chất đáy đối với sò giống nuôi trong hai ruộng vuông vắn diện tích 36m2, thuỷ triều vừa.
Tại ruộng nuôi thứ nhất, đổ 10 cm đất, loại bỏ tạp chất, san bằng, cuối cùng dùng nê – mã (vật hỗ trợ con người trong việc di chuyển trên bùn lầy đỡ bị lún) để tạo lại hình dáng của ruộng sao cho ruộng nuôi nhô cao ở giữa và thuôn đều về các phía giống như hình lưng rùa.
Ruộng thứ hai vẫn giữ nguyên trạng thái tự nhiên.
Sau 25 ngày, kết quả là chất bùn ở ruộng đã xử lý mềm hơn, mặt ruộng bằng phẳng hơn và không tích nước.
ở ruộng chưa xử lý, chất đáy tương đối cứng, mặt ruộng lồi, lõm không đều và bị đọng nước.
Số lần kiểm tra | Ruộng bằng phẳng | Ruộng chưa bằng phẳng |
1 | 27 | 17 |
2 | 75 | 34 |
3 | 91 | 37 |
4 | 62 | 39 |
5 | 74 | 21 |
6 | 329 | 148 |
Tỉ lệ % | 68,97 | 31,03 |
3.3 Phương pháp khai thác sò giống
Khai thác sò giống thường được thực hiện vào thời kỳ nước lớn (Ðại Triều), mỗi đợt khai thác tiến hành trong 5 – 6 ngày.
Tỉnh Quảng Ðông đang áp dụng phương pháp Tam Triều , tức là tiến hành thu hoạch giống vào ba thời điểm của thuỷ triều : Triều rút, triều lên và triều hoàn toàn.
Công cụ dùng để khai thác sò giống gồm có : 1 : Ban cào; 2 : Lưới tay; 3 : Lưới cào; 4 : Lưới kéo; 5 : Gầu xúc sò làm bằng thép; 6 : Cái bừa; 7 : Sàng đãi sò; 8 : Giành đựng sò; 9 : Nê- mã.
3.3.1 Phương pháp khai thác sò giống khi triều rút
Phương pháp này chia làm hai loại, đều được tiến hành sau khi triều rút.
Loại thứ nhất là dùng ván trượt chuyên dụng (nê- mã) để di chuyển và khai thác sò giống, tay nắm chắc bàn cào và lưới tay, cào lớp bùn dày khoảng 0,5 cm ở tầng mặt, vừa cào vừa lắc để loại bỏ lượng bùn mắc trong lưới, đến khi được 1/3 túi thì nhúng nước cho trôi bùn đất, làm sạch sò giống.
Cách thứ hai là tay trái cầm lưới, tay phải cầm bàn cào, từ từ cáo tầng bùn trên cùng vào túi lưới, sau đó cũng sơ bộ làm sạch sò trong túi bằng nước biển.
3.3.2 Phương pháp khai thác sò giống ở chỗ nước nông
Trong quá trình thuỷ triều lên hoặc thuỷ triều rút, chọn lúc mức nước cao khoảng 0,3- 0,7m để tiến hành khai thác sò.
Người khai thác sò một tay nắm lưới cào lùa xuống nước và nhấc lên.