Những lưu ý khi ương giống cá tra, basa
Chuẩn bị ao ương
Ao có diện tích to hay nhỏ tùy theo điều kiện của từng hộ, tuy nhiên diện tích ao ương càng lớn càng tốt, không nhỏ dưới 200 m2. Độ sâu nước phải từ 1,2 – 1,5 m. Nguồn nước cấp cho ao ương phải sạch và chủ động. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, không rò rỉ hay thấm nước.
Tháo cạn ao, sên vét bùn từ vụ trước, dùng vôi với liều lượng 7 – 10 kg/100 m2 rải đều đáy ao và mái bờ ao.
Tiến hành phơi ao, 1 – 2 ngày, những đáy ao bị ảnh hưởng bởi phèn thì không nên phơi đáy ao sẽ bị xì phèn. Sau khi phơi ao, tiến hành bón lót đáy cho ao bằng bột đậu tương và bột cá, mỗi loại 0,5 – 1 kg/100 m2 đáy ao.
Vì ao ương cá bột nên cần phải lọc nước cấp vào ao bằng lưới lọc mắt dày, mực nước cấp từ 0,3 – 0,5 m. Đồng thời thả giống trứng nước (0,5 – 1 kg/100 m2 đáy ao) và trùng chỉ (2 kg/100 m2 đáy ao).
Sau 1 ngày, cấp thêm từ 70 – 80 cm nước và thả cá bột, sau đó 2 ngày thì cấp đầy đủ nước.
Chọn và thả cá ương
Cá bột phải đều cỡ, bơi lội nhanh nhẹn, màu sắc cá tươi sáng, không dị tật hoặc mang mầm bệnh. Mật độ ương nuôi trong ao đất từ 250 – 400 con/m2 (cá tra), 50 – 100 con/m2 (cá basa).
Cho ăn và chăm sóc
Ngoài thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao, cần bổ sung thêm các loại thức ăn khác ở giai đoạn đầu như: Bột đậu nành, lòng đỏ trứng gà, vịt. Cứ 10.000 cá bột thì dùng 20 lòng đỏ trứng và 200 gram bột đậu nành nấu chín, ngày cho ăn từ 4 – 5 lần.
Sau 10 ngày, cá bắt đầu ăn móng (đớp khí), tăng thêm 50% lượng thức ăn và bổ sung thêm nguồn trứng nước, trùng chỉ. Thời điểm này có thể cho cá ăn dặm bằng cá tươi xay nhuyễn hoặc thức ăn chế biến.
Sau tuần thứ 4 trở đi cho đến khi thu hoạch, thức ăn chủ yếu là thức ăn chế biến với thành phần là cám trộn bột cá (cá xay nhuyễn) nấu chín, khẩu phần ăn 5 – 7%. Hoặc thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 30 – 50%, khẩu phần ăn 2 – 3%.
Chú ý
Khi cho ăn bằng thức ăn công nghiệp phải chọn kích cỡ thức ăn phù hợp với miệng cá. Cần bổ sung thêm vitamin, khoáng chất giúp cá khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
Theo dõi hàng ngày
Hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn sử dụng, chất lượng nước, tình hình sức khỏe của cá. Đặc biệt là vấn đề dịch bệnh.
Định kỳ luyện cá 1 lần/tuần, giúp cá quen dần với điều kiện chật hẹp, thiếu ôxy, nước đục… để cá thích nghi dần và làm giảm tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển cá giống.
Tags: uong giong ca tra, ca basa, nuoi trong thuy san