Kinh nghiệm từ những mô hình nuôi tôm thành công
1. Vùng nuôi tôm trên cát
– Phải có ao chứa để xử lý nước cấp trong quá trình nuôi.
– Sử dụng con giống chất lượng, có giấy kiểm dịch, tránh trường hợp tôm thả “bù” nhiều lần, khó chăm sóc. Thả tôm mật độ 100 – 120 con/m2 để có thời gian nuôi khoảng 90 ngày, vì tôm có tốc độ tăng trưởng cao trong 80 – 90 ngày đầu, sau đó sẽ chậm lại.
– Thức ăn được bảo quản tốt, có thương hiệu, hàm lượng đạm 39%, không nhiều hạt bụi… Bổ sung vitamin và khoáng, nhất là giai đoạn sau vì trong môi trường công nghiệp chật chội và ôxy kém, việc hỗ trợ tiêu hóa và quá trình hấp thụ thức ăn rất quan trọng, nó quyết định được hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn), nếu thiếu tôm dễ bị stress và đục thân.
– Sử dụng vôi đúng công thức, chất lượng trong quá trình nuôi. Cụ thể: CaCO3 tăng cường pH và tăng hệ đệm, MgCa(CO3)2 tăng độ kiềm (Alkalinyty), cung cấp dinh dưỡng và khoáng cho tảo. Thường xuyên kiểm tra độ kiềm, bổ sung vôi CaCO3 khi độ kiềm giảm thấp hơn 80mg CaCO3/L.
– Không lạm dụng đánh vôi nhiều sẽ làm tăng hàm lượng Cation Ca++ (độ kiềm lên đến 150mg CaCO3/L) dẫn đến quá trình sinh hoá và hoá lý trong ao giảm, làm giảm hàm lượng vi sinh vật có lợi, ôxy hoà tan kém tôm dễ nổi đầu. Sử dụng vôi chất lượng kém, tạo thành chất lơ lửng ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc diệt khuẩn và hoá chất xử lý và khả năng ôxy hoà tan kém.
– Định kỳ sử dụng men vi sinh, khoáng vào môi trường ao. Sử dụng hóa chất khi thật cần thiết, không sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục cấm.
2. Vùng nuôi tôm bán thâm canh ven đầm
– Phải có ao xử lý nước để cấp bổ sung trong quá trình nuôi; có diện tích để tập trung chất thải thông qua phương pháp siphon. Bờ ao xung quanh phải rào lưới chắn đề phòng địch hại từ ao này sang ao kia. Vệ sinh và phơi đáy ao 15 – 20 ngày trước khi nuôi, không sử dụng Cypermethrin, Deltamethrin.
– Trường hợp ao nuôi bị bệnh dịch ở vụ trước, có thể khử trùng nguồn nước bằng Chlorine (hàm lượng 30 – 38%), với liều lượng 20 – 30 kg/1.000m3.
Chú ý: Nếu dùng Chlorine thì không sử dụng Saponine, sau 2 – 3 ngày cần bổ sung chế phẩm sinh học khi chưa thả giống cân bằng môi trường ao.
– Giống thả đạt chất lượng có chứng nhận kiểm dịch, cỡ >= P12.
– Cho ăn theo phương châm vừa thiếu để kiểm soát thức ăn, tránh tình trạng dư thừa thức ăn gây ô nhiễm ao nuôi. Nếu nuôi mật độ thấp thì dùng thức ăn 32 – 35% đạm, sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm cao đầu tư khó khăn, dễ gây ô nhiễm.
– Xây dựng chương trình sử dụng vi sinh để quản lý các loại khí độc như NH3, H2S cần phải đúng chu kỳ, liều lượng và thực tế chất nước và mức độ ô nhiễm ở đáy ao. Khi sử dụng vi sinh cần lưu ý đến quá trình biến động các điều kiện khác như: ôxy, pH…
3. Vùng nuôi quảng canh cải tiến thân thiện môi trường
– Con giống phải được kiểm dịch, đạt kích cỡ từ 2 – 3cm để nâng cao tỷ lệ sống. Ngoài đối tượng chính là tôm sú, thả cá chua, rô phi đơn tính để tăng thu nhập, đồng thời cân bằng sinh thái ao, phòng bệnh cho tôm.
– Có thể lấy nước trực tiếp vào ao nuôi, nên lấy vào những ngày triều cường lớn nhất, tham khảo thông tin quan trắc môi trường. Cần tránh lấy nước khi bên ngoài có dấu hiệu ô nhiễm, bệnh dịch xuất hiện trong vùng. Nước phải qua hệ thống túi lọc.
– Khi cho ăn nên sử dụng thức ăn viên có chất lượng trung bình, hàm lượng đạm không quá 32% trong khoảng 1,5 – 2 tháng nuôi đầu tiên. Sau đó, nên kết hợp với thức ăn tự chế như ruốc, hến, don… để giảm chi phí. Kiểm tra sự tập trung của tôm trong ao nuôi thông qua đặt sàng cho ăn, kiểm tra bằng chài và mò tôm, nhằm cho tôm ăn chính xác, tránh chỗ thừa, chỗ thiếu.
Tags: mo hinh nuoi tom, nuoi trong thuy san, nuoi tom