Công nghệ và sự phát triển của thủy sản
Phát minh đột phá
Khi những phát minh, thành tựu công nghệ được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao. Một trong những phát minh quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là việc sử dụng những quần thể sinh vật có ích, chế phẩm EM (Effective Microganisms) để lên men, cải tạo môi trường, tăng dinh dưỡng… cho vật nuôi thông qua tập hợp các vi sinh vật kỵ khí và hiếu khí.
Chế phẩm EM là một sản phẩm độc đáo của công nghệ sinh học Nhật Bản do Tiến sĩ Teruo Higa – Trường Đại học Tổng hợp Ryukyus, Okinawa, Nhật Bản, sáng tạo và áp dụng thực tiễn từ năm 1980. Ngày nay, chế phẩm EM còn ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống.
Đối với sản xuất thủy sản, cải thiện chất lượng con giống đóng vai trò then chốt. Vào những năm 1930 – 1960 của thế kỷ trước, Giáo sư Motosaku (Nhật Bản) đã thành công trong việc kích thích tôm he Nhật Bản (Penaeus japonicus) sinh sản, nuôi ấu trùng và nuôi tôm thương phẩm. Sự thành công này đã tạo đà cho nghề nuôi tôm phát triển với đối tượng chính là tôm sú.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm sú đã gặp nhiều vấn đề trong quá trình phát triển bởi dịch bệnh và chất lượng giống ngày càng kém. Giải quyết vấn đề này, Chương trình Nuôi tôm biển của Mỹ đã phát triển loài tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) kháng bệnh (SPR) và sạch bệnh đến (SPF) châu Á, Nam Mỹ mang về hàng tỷ USD cho những quốc gia nuôi và xuất khẩu loài tôm này, năng suất nuôi lên đến hàng chục tấn/ha.
Thành công của nghề nuôi tôm trên thế giới còn được biết đến bởi công nghệ chuyển đổi giới tính toàn đực ở tôm càng xanh như sử dụng hormone, gây biến đổi gen, đến công nghệ mới hiện nay là công nghệ gây lặn gen. Công nghệ gây lặn gen của Israel sẽ mang lại “làn gió mới” cho nghề nuôi tôm nước ngọt trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Giới tính (đực, cái) không chỉ quyết định đến năng suất, chất lượng của tôm nuôi mà đối với cả cá nuôi.
Đối với nghề nuôi cá rô phi, việc tạo ra đàn cá đơn tính đực sẽ giúp người nuôi có lợi khi rút ngắn thời gian nuôi, cá tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt. Những công nghệ như sử dụng hormone, lai xa giữa các loài cá rô phi đã được sử dụng thành công, mang lại năng suất từ 10 – 15 tấn/ha.
Đối với một số loài thuộc lớp hai mảnh vỏ như hàu Thái Bình Dương (Crassostres gigas) đơn tính và hiện tượng tam bội tự nhiên xảy ra với tần số thấp. Vì vậy, sử dụng công nghệ tạo ra hầu tam bội có sức sinh trưởng nhanh bằng cách tác động vào quá trình giảm phân trên trứng được thụ tinh đã lựa chọn ra những cá thể đa bội đưa vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
Còn rất nhiều những tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản như: phát hiện phòng trừ dịch bệnh, dinh dưỡng và thức ăn, thuốc và vắc xin… đã và đang được phát triển giúp nền sản xuất nông nghiệp ngày càng đi lên và bền vững hơn.
Hướng đến công nghệ xanh, bền vững
Sự phát triển của sản xuất kéo theo đó là sự xuống cấp ngày càng nhanh của môi trường. Năng suất vật nuôi giảm, dịch bệnh ngày càng nhiều, thiên tai bão lụt ngày càng mạnh và đặc biệt là áp lực dân số và vấn đề an ninh lương thực. Một lần nữa, khoa học và công nghệ lại vào cuộc nhưng không phải để phát triển sản xuất đơn thuần mà còn hướng đến sản xuất xanh, sạch và bền vững.
Israel – nước không được thiên nhiên ưu đãi đã phát triển công nghệ nuôi cá tuần hoàn không thay nước trên sa mạc Negev nóng bỏng, cá rô phi đạt cỡ từ 500 – 700g/con sau 6 – 8 tháng nuôi, đạt sinh khối từ 20 – 27 kg/m3. Nguồn nước nuôi cá thải ra được sử dụng cho việc trồng rau và thảo mộc, đảm bảo sử dụng hiệu quả tiết kiệm nguồn nước, không gây ô nhiễm môi trường do chất thải từ nuôi cá.
Để giảm thiểu việc sử dụng nguồn nước, nước thải gây ô nhiễm môi trường, nuôi tôm theo công nghệ raceway (nước chảy) để nuôi tôm thẻ chân trắng tại Mỹ sử dụng nước tuần hoàn, hạn chế sự phát triển và lây lan của dịch bệnh. Phương pháp này hiện đang được phát triển cùng với công nghệ Biofloc và áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Công nghệ Biofloc được khởi xướng ở Israel, Bioflocs là các cụm kết dính gồm vi khuẩn, tảo và protozoa (động vật nguyên sinh) với mảnh vụn và các hạt hữu cơ chết. Công nghệ này giải quyết được hai vấn đề là loại bỏ chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước ao nuôi; sử dụng Biofloc làm thức ăn tại chỗ cho đối tượng nuôi. Vì vậy, Biofloc giúp làm giảm chi phí thức ăn, giảm ô nhiễm, đây được coi là giải pháp để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản với quy mô công nghiệp.
Tags: cong nghe nuoi tom, nuoi trong thuy san, nuoi tom, phat trien thuy san