Cách xử lý ao nuôi xấu
– Ao nuôi cá có hiện tượng nước bị đục, váng quanh năm. Với loại ao này có thể do độ pH thấp (ao bị chua, phèn), tảo không phát triển được, do vậy cần dùng vôi xử lý cũng không hết.
Biện pháp: Rửa đáy ao (rửa chua) từ 2 – 3 lần, mỗi lần rửa chua cần bón vôi nung (CaO) với liều lượng 3.000 – 5.000 kg/ha hoặc 1.000 – 1.500 kg/mẫu.
Cách xử lý: Tát cạn đáy ao, giữ lại từ 5 – 10cm, tiếp tục bón vôi và ngâm ao từ 7 – 10 ngày, tháo nước sau đó lặp lại 3 lần như trên. Sau khi thau rửa ao, cấp nước vào ao đủ mức yêu cầu (gây màu nước nếu cần thiết), kiểm tra độ pH, nếu độ pH đạt từ 7 – 7,5 là có thể thả cá được.
– Với những ao nuôi bị ô nhiễm, cá bị nhiễm độc, thiếu ôxy, nổi đầu chết thì phải dùng máy quạt nước, hóa chất làm tăng ôxy để làm tăng lượng ôxy hòa tan và đẩy các khí độc ra khỏi ao. Tiến hành khử trùng nước ao bằng hóa chất khử trùng (ví dụ như dùng Vicato với liều lượng 0,5 – 0,8 g/m3 nước).
Sau khi khử trùng nước, dùng các chế phẩm sinh học như Bio DW, EMC… theo hướng dẫn của nhà sản xuất để phân hủy các chất dư thừa, giảm chất độc đồng thời khôi phục hệ vi sinh có lợi trong nước. Dùng men tiêu hóa, vitamin và khoáng chất tăng cường sức khỏe cho cá nuôi.
– Trường hợp ao nuôi có màu đục (phù sa), ao nuôi xuất hiện bọt, cá chậm lớn. Nguyên nhân có thể là do chất đất, hoặc một số loài cá bị đói như cá chép đã cày đáy, ao mới đắp, mới mưa hoặc cũng có thể do nuôi kết hợp cùng vịt. Trường hợp này cần hòa nước vôi trong té khắp ao nhằm kết tủa bùn ao, sau đó tìm nguyên nhân để giải quyết triệt để.
Với những loại ao nuôi cá có hiện tượng bị rêu xanh trên mặt nước (mặc dù nước sâu). Nguyên nhân có thể là do ao bị phì dưỡng (dư thừa thức ăn dinh dưỡng khiến cho rêu phát triển). Hoặc có thể ao nuôi bị thiếu ánh nắng do bóng cây che phủ. Trường hợp này cần giảm và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, thay nước nếu có thể. Sử dụng một số loại thuốc diệt tảo để hạn chế sự phát triển của rêu, tảo.