Quy định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi
Đối với phòng, chống dịch cho nuôi tôm, sản xuất tôm giống theo phương pháp an toàn sinh học.
1. Yêu cầu:
a) Bể, ao/đầm nuôi tôm, sản xuất tôm giống phải nằm trong khu vực quy hoạch nuôi tôm của cơ quan có thẩm quyền;
b) Chuẩn bị bể, ao/đầm nuôi, sản xuất tôm giống theo đúng quy trình: tẩy dọn bể, ao/đầm, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy và nước nuôi tôm đảm bảo môi trường nước phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm;
c) Có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt. Nước trước khi lấy vào ao/đầm nuôi, cơ sở sản xuất giống phải được kiểm tra chất lượng và trước khi xả thải ra môi trường phải được xử lý;
d) Tôm giống thả nuôi, tôm bố mẹ tham gia sinh sản phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch do Cục Thú y hoặc Chi cục Thú y cấp; tôm giống có kích cỡ đồng đều, kích thước phù hợp quy định để thả nuôi;
đ) Tuân thủ lịch mùa vụ thả giống của địa phương;
e) Sử dụng thức ăn rõ nguồn gốc xuất xứ, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và bảo quản đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
g) Công nhân phải vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với bể, ao/đầm nuôi và khi chuẩn bị thức ăn và cho ăn;
h) Sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành trong nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường, phòng, chữa bệnh, quản lý sức khỏe tôm nuôi. Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc các Cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương;
i) Thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước (pH, ôxy hòa tan, độ kiềm, khí độc) theo hướng dẫn của Chi cục NTTS địa phương;
k) Các bể, ao/đầm nuôi, cơ sở sản xuất giống phải có dụng cụ riêng, trước và sau khi sử dụng phải được vệ sinh sạch sẽ, bảo quản đúng nơi quy định;
l) Áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tôm của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản.
2. Vùng quy hoạch nuôi tôm đảm bảo:
a) Có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, hệ thống ao/đầm lắng để xử lý nước trước và sau khi nuôi với thiết kế đảm bảo đủ cung cấp cho vùng nuôi;
b) Có bố trí vùng đệm đảm bảo sự cách biệt giữa các vùng nuôi;
c) Giao thông thuận tiện.
3. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các ban, ngành hữu quan hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi tôm tại địa phương thực hiện các quy trình nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Giám sát, phát hiện bệnh
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất tôm giống phải thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh:
a) Kiểm tra, xét nghiệm mầm bệnh đối với tôm bố mẹ khi nhập vào cơ sở sản xuất giống và định kỳ xét nghiệm bệnh trong quá trình sử dụng sản xuất giống; xét nghiệm mầm bệnh đối với tôm giống trước khi xuất bán;
b) Đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y và các điều kiện sản xuất tại cơ sở sản xuất giống.
2. Tổ chức, cá nhân nuôi tôm phải thực hiện giám sát dịch bệnh:
a) Hàng ngày, kiểm tra hoạt động bơi lội của tôm; quan sát hình dáng bên ngoài (màu sắc, mảng bám trên tôm, thức ăn trong ruột); nhận diện các dấu hiệu bệnh lý (nổi đầu, tấp bờ, bơi lờ đờ, dạt vào bờ, bỏ ăn, màu sắc thay đổi, mềm vỏ, đen mang) để có các biện pháp xử lý phù hợp (điều chỉnh các chỉ tiêu môi trường nước, thức ăn);
b) Lấy mẫu kiểm tra sự sinh trưởng và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi để có biện pháp xử lý thích hợp.
3. Chi cục Thú y: Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh (theo dõi tình hình sức khỏe tôm, tiến hành thu mẫu định kỳ hoặc đột xuất làm xét nghiệm) theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm phát hiện bệnh sớm, kịp thời.
Kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển
Kiểm dịch nhập khẩu và kiểm soát vận chuyển qua biên giới:
a) Tôm giống, tôm bố mẹ nhập khẩu phải được nuôi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Cục Thú y;
b) Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý tôm giống, tôm bố mẹ nhập lậu;
c) Trạm kiểm dịch biên giới thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc mọi phương tiện vận chuyển tôm giống, tôm bố mẹ và tôm thương phẩm qua cửa khẩu.
Xử lý các trường hợp vi phạm:
a) Tiêu hủy hoặc xử lý đối với tôm mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch, các bệnh mới xuất hiện và tôm nhập lậu không xác định được chủ hàng theo quy định tại điểm b, c, d khoản 3 Điều 11 Thông tư này;
b) Thực hiện kiểm dịch và xử phạt với các trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định hiện hành. Buộc chủ hàng thực hiện nuôi cách ly lô tôm giống để theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm bệnh;
c) Đối với lô tôm có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất phát nhưng không hợp lệ thì tạm giữ để chủ hàng bổ sung hồ sơ. Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc đánh tráo, cơ quan kiểm dịch thực hiện kiểm dịch lại;
d) Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về kiểm dịch phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phải chịu mọi chi phí cho việc kiểm dịch, xử lý tiêu hủy tôm và các hình thức xử lý khác.
Tags: chong dich benh tren tom nuoi, nuoi trong thuy san, nuoi tom