Vận chuyển cá rô phi giống đường dài
Ép (luyện) cá
Trước khi vận chuyển cá 10 ngày cần phải quấy dẻo cá trong ao ương. Có 2 cách quấy dẻo cá:
– Dùng trà rào kéo quanh ao 2 – 3 vòng cho nước vẩn đục, tạo cho cá thích nghi dần môi trường không thuận lợi trong ao, 3 ngày/lần, trước khi quấy dẻo không cho cá ăn.
– Dùng lưới vét kéo nửa diện tích ao, quây cá lại trong lưới với mật độ dày, ép cá từ 30 phút đến 1 giờ; khi thấy cá nổi đầu nhiều (bị ngạt) thì mở lưới cho cá thoát ra ngoài và tiếp tục làm như vậy đối với nửa diện tích ao còn lại, định kỳ kéo lưới 3 ngày/lần, gần đến ngày xuất bán thì tăng tần suất lên 2 hoặc 1 ngày/lần.
Ép cá trước khi vận chuyển
Trước khi vận chuyển cá cần ép cá thật kỹ để tăng khả năng chịu đựng của cá đối với môi trường (mật độ cao, ôxy thấp, NH3 cao). Đây là khâu quyết định tỷ lệ sống của cá trong quá trình vận chuyển.
– Ngưng không cho cá ăn 2 ngày trước khi kéo lưới thu cá.
Chuẩn bị bể ép cá: Bể xi măng, kích thước (4 x 2 x 1)m, có độ dốc về van xả, phía trước van xả cần làm một ô trũng hình tròn đường kính 30cm, sâu hơn nền đáy 5 – 7cm để khi tháo cạn nước thu cá được dễ dàng, bể nên có mái che.
– Chủ động bể nước cấp và các dụng cụ phục vụ đóng túi cá và vận chuyển: vợt, bình ôxy, sục khí, túi nilon, bao tải, thùng xốp, dây buộc…
Mực nước bể duy trì 70cm, nguồn nước sạch và giàu ôxy, lắp sục khí mật độ 2 quả sục/m2, bật sục khí trước khi chuyển cá vào bể 15 phút để tăng hàm lượng ôxy hòa tan.
– Cá giống từ ao chuyển vào bể tùy theo kích cỡ của cá mà thả mật độ khác nhau: cá 3 – 5cm thả 15.000 – 20.000 con/m2; 1,5 – 2,5cm thả 20.000 – 35.000 con/m2, vặn mạnh van nước để tạo dòng nước chảy đều trong bể, sau 20 – 30 phút khi cá đã ổn định có thể điều chỉnh lại van nước và sục khí, tránh cho cá bị xây sát.
Sau khi chuyển cá vào bể từ 1 đến 2 giờ, có thể thay nước để loại bỏ chất cặn bã mà cá thải ra và các loại rác theo cá vào bể.
– Dùng ống nhựa đường kính 10cm có đục lỗ (kích thước lỗ đục nhỏ hơn kích cỡ cá) để thay nước cho cá. Điều chỉnh tháo lượng nước vừa phải, tránh cá bị hút mạnh vào ống, dùng vợt nhẹ nhàng loại bỏ các loại rác trong bể.
– Định kỳ thay nước 4 giờ/lần, mỗi lần thay 50% lượng nước trong bể. Dùng ống đục lỗ để thay nước và thay tầng đáy, điều chỉnh van cấp nước đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của cá.
Thời gian ép cá từ 10 đến 14 giờ để cá thải hết chất thải ra ngoài, tạo sự thích nghi với môi trường chật hẹp, hàm lượng ôxy hòa tan thấp.
– Quan sát hoạt động của cá: Cá khỏe có màu sắc tươi sáng, hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn xung quanh bể, ít nổi đầu lên mặt bể.
Cần duy trì 24/24 giờ lượng nước cấp và sục khí cho bể trong thời gian ép cá, có thể chuẩn bị một máy phát điện phòng khi mất điện lưới.
Đóng cá vào túi và bơm ôxy
– Hạ nhiệt độ nước bể 2 – 40C bằng nước đá, nhằm làm giảm hoạt động của cá khi vận chuyển; giảm lượng tiêu hao ôxy và giảm lượng khí độc do cá thải ra.
Dùng túi nilon màu trắng dạng ống rộng 0,6m, dài 1m, lồng 2 túi vào nhau và lồng vào bao tải cũng có kích cỡ như trên.
Trước khi cho nước vào túi cần phải tráng túi bằng 2 – 3 lít nước sạch.
– Cho 30 lít nước sạch vào túi, cùng 5 – 6 gram than hoạt tính để hấp thụ khí độc do cá thải ra trong quá trình vận chuyển.
– Cho 2kg đá lạnh vào túi nilon buộc kín để góc thùng xốp để nhiệt độ trong túi cá không tăng cao.
Mật độ cá vận chuyển trong túi: Cá 1,5 – 3cm từ 100 – 120 con/lít; cá 3 – 5cm 80 – 90 con/lít, cá 5 – 8cm 40 – 50 con/lít.
Nhúng vòi ôxy vào túi. Vặn nhẹ van cho ôxy hòa vào nước. Dùng tay vuốt mép nước trong túi để khi ôxy đẩy căng dần lên (chừa 20cm), buộc gấp túi lại. Lưu ý: túi không được bơm căng quá, phải đàn hồi tốt, chiều dài túi vừa với kích cỡ thùng xốp (0,6 x 0,7 x 0,45)m.
Sau khi bơm ôxy, đóng nắp thùng xốp, dùng băng keo dán kín, đưa lên các phương tiện vận chuyển.
Tags: ca ro phi, nuoi ca ro phi, nuoi trong thuy san