Chuyển giới tính cá rô phi toàn đực
Sự cần thiết
Một trong những ưu điểm để cá rô phi trở thành đối tượng nuôi quan trọng là tính ăn tạp, tốc độ sinh trưởng nhanh và có thể nuôi đơn loài ở mật độ cao, cho sản lượng lớn. Tuy nhiên, với những nhược điểm như, tuổi thành thục sớm (4 – 6 tháng tuổi), khoảng cách các lần đẻ ngắn (20 – 30 ngày) và có thể sinh sản tự nhiên trong ao nên cá nuôi sẽ chậm lớn, kích cỡ không đều khi thu hoạch, hiệu quả không cao.
Với đặc tính sinh sản nhiều lần trong 1 năm (10 – 13 lần) nên cá rô phi cái có tốc độ tăng trưởng rất thấp. Để có được sản lượng lớn từ nuôi trồng, cá thả nuôi phải hạn chế sinh sản và phải chọn toàn cá đực thì mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Do vậy, khi nuôi cá rô phi thương phẩm, người nuôi thường thích cá đực hơn cá cái. Nước ta hiện có nhiều loài cá rô phi, nhưng người nuôi ưa chuộng nhất là cá rô phi dòng GIFT(Genetically, Improved Farm Tilapia) do Viện Nghiên cứu NTTS I nghiên cứu, lai tạo. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh và thích nghi tốt với mô hình nuôi trang trại.
Đặc điểm sinh sản
Cá rô phi có đặc tính sinh sản bảo vệ con. Cá nuôi sau 4 – 5 tháng đã có thể sinh sản tự nhiên trong ao (cỡ 150g trở lên). Cá đực khi thành thục, phần cuối của vây lưng, ngực, vây đuôi thường có màu hoe đỏ, cá cái bụng to.
Khi chuẩn bị sinh sản, cá đực thường dùng vây ngực và miệng đào hố nông ven bờ, đường kính 20 – 30cm và quyến rũ cá cái vào đẻ trứng. Cá cái đẻ trứng, cá đực thụ tinh, trứng được cá cái hút vào ấp trong miệng, sau 3 ngày trứng nở thành cá bột, cá mẹ tiếp tục ấp cá con trong miệng. Sau 3 ngày cá bột biết ăn, cá mẹ mới mở miệng để cá con ra ngoài kiếm ăn; khi có động, cá con lại chui vào miệng cá mẹ. Sau 18 ngày từ khi đẻ trứng, cá con rời mẹ và sống độc lập. Dựa vào đặc điểm sinh sản của cá mà các nhà nghiên cứu đã thu trứng khi đang còn trong miệng cá mẹ để ấp và cho ăn hormon chuyển giới tính từ cái sang đực.
Phương pháp chuyển giới tính
Cho ăn hormon
Đây là phương pháp sử dụng hormon trộn vào thức ăn của cá để chuyển giới tính cá rô phi. Hiện, có 2 loại hormon được sử dụng là MT (17 methyl estestosterone) và ET(17 ethynyltestosterone); trong đó, MT được dùng phổ biến hơn cả. Phương pháp này đang được sử dụng rộng tại các trại giống trên cả nước, vì có nhiều ưu điểm: Tỷ lệ chuyển giới tính cao, chi phí thấp và không tốn nhiều công sức. Người nuôi có thể mua giống rô phi hậu bị dòng GIFT tại Viện Nghiên cứu NTTS I để làm cá bố mẹ, tùy theo quy mô sản xuất mà có thể mua giống nhiều hay ít.
Giống hậu bị mua về, đưa vào ao nuôi bằng thức ăn tự chế hoặc công nghiệp với hàm lượng đạm 15% trở lên. Sau 4 – 5 tháng có thể tuyển cá bố mẹ cho sinh sản với tỷ lệ 1/1, cá phải khỏe mạnh, trọng lượng 0,4 kg trở lên. Chuyển cá bố mẹ vào giai lưới hoặc vào bể với mật độ 5 – 6 con/m2; sau 5 – 7 ngày, bắt lên, kiểm tra miệng cá cái để thu trứng; chu kỳ thu trứng 1 tuần/lần. Nên phân loại trứng để ấp trong khay nhựa, mật độ 9.000 trứng/lít, lưu tốc nước trung bình 2 lít/phút. Ấp trứng đến khi nở thành cá bột và tiêu hết noãn hoàng (4 – 5 ngày) thì chuyển ra giai lưới mắt dày đặt trong ao, kích thước (3 x 2 x 1) m với mật độ thả 1,5 vạn con/m2. Do lượng trứng cá đẻ mỗi lần không nhiều (200 – 1.000 trứng) nên cá bột sẽ khó đồng đều khi đưa vào xử lý hormon.
Thức ăn cho cá là bột cá nhạt trộn với hormon. Lấy 600 mg MT hoặc ET hòa vào 7 lít cồn ethanol 95%, sau đó đem trộn đều với 10 kg bột cá và 100g Vitamin C, san mỏng, phơi trong mát cho cồn bay hơi hết rồi bỏ thùng cho cá ăn dần. Thức ăn hàng ngày cho cá được chia làm 2 bữa (sáng – chiều), liều lượng được tính theo phần trăm khối lượng cá: Tuần đầu 25%, tuần thứ hai 20%, tuần thứ ba 15% và tuần thứ tư 10%. Cho cá ăn liên tục 21 ngày thì thu cá và xuất bán hoặc chuyển ra ao ương hay giai chứa để ương lên giống.
Công nghệ chuyển giới tính cho cá chủ yếu áp dụng ở loài rô phi vằn dòng GIFT (Oreochromis niloticus). Hiện, công nghệ này đã được chuyển giao và triển khai rộng rãi ở các trại giống thủy sản trên cả nước. Khi ứng dụng công nghệ này, tỷ lệ chuyển giới tính cá đạt 95%, vì thế trong nuôi vẫn còn 5% cá cái đẻ trứng.
Ngâm hormon
Cá rô phi bột sau khi nở 17 ngày tuổi được ngâm trong dung dịch hormon MT (3 mg/lít) trong 3 – 4 ngày, mật độ 1,5 – 2 vạn con/m2. Phương pháp này, tỷ lệ cá đực đạt 80 – 85%, tỷ lệ sống sau khi xử lý cũng thấp hơn (70 – 80%), vì vậy ít được sử dụng.
Phương pháp lai
Đây là công nghệ do Viện Nghiên cứu NTTS I tiếp nhận từ Israel và chuyển giao đàn cá bố mẹ từ Trung Quốc cho Công ty TNHH TM & SX Hải Thanh. Lai tạo giữa giống rô phi rằn (O. niloticus) với rô phi xanh (O. aureus) tạo ra 95% rô phi giống toàn đực. Trên thực tế, phương pháp này tốn kém chi phí, công sức và thời gian nhiều hơn phương pháp cho ăn hormon.
Tags: chuyen gioi ca ro phi, nuoi ca ro phi, ca ro phi toan duc