Bắt đầu từ cá tra giống
Bất cập
Thống kê của Bộ NN&PTNT, toàn vùng ĐBSCL hiện có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, đáp ứng cơ bản về số lượng cá tra giống của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng con giống đang có chiều hướng suy giảm với biểu hiện chậm lớn, dễ mắc bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ lệ sống của cá tra trong quá trình ương dưỡng.
Cụ thể, hiện tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương chỉ đạt 20 – 24%, từ cá hương lên cá giống trung bình chỉ khoảng 21%. Ðây là tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân, do chạy theo lợi nhuận và nhu cầu nuôi cá tra quá “nóng” của người dân trong một thời gian dài mà các chủ cơ sở giống chỉ tập trung nâng cao số lượng chứ chưa thật sự chú trọng về mặt chất lượng.
Chính vì vậy, quy trình sản xuất giống không được tuân thủ đầy đủ, dẫn đến tình trạng con giống không bảo đảm cả về chất lượng và kích thước. Mặt khác, thời gian qua giá cá tra giống thấp nên chưa khuyến khích được các cơ sở sản xuất tập trung sản xuất với quy mô lớn vì vậy rất khó quản lý chất lượng cá tra giống tại các địa phương. Bên cạnh đó, giá cá bột không có sự khác biệt giữa cá có cải thiện di truyền và cá tại địa phương. Từ đó, các cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư theo đúng quy trình đối với đàn cá cải thiện di truyền.
Vào cuộc
Theo Chi cục Thủy sản An Giang, để nâng chất lượng tỉnh này sẽ tiến hành xây dựng lại hệ thống sản xuất, ương giống cá tra đạt chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm; cơ sở, vùng nuôi cá tra thương phẩm phải đăng ký nuôi thủy sản và tuân thủ Nghị định 36/2014/NĐ-CP và Thông tư 23/TT-BNNPTNT quy định về vùng nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Nhiều địa phương đang tập trung hỗ trợ người nuôi nâng cao năng lực, trình độ theo hướng tăng năng suất và chất lượng từ khâu sản xuất giống đến khâu chế biến, tiêu thụ theo “chuỗi giá trị sản phẩm cá tra”. Bên cạnh đó, các cơ sở, vùng nuôi cá tra thương phẩm sẽ liên kết thành các tổ hợp tác sản xuất, tổ liên kết sản xuất hay chi hội thủy sản; gắn kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản theo hình thức gia công, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cá tra nguyên liệu. Ngoài ra, còn liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố có nuôi cá tra xuất khẩu để cân đối cung – cầu, mang lại lợi ích cao nhất cho nông dân và doanh nghiệp…
Ông Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Giống Cây trồng, Vật nuôi, Thủy sản tỉnh Cần Thơ cho hay, năm 2012, Trung tâm tiếp nhận đàn cá tra bố mẹ hậu bị được cải thiện rất tốt về di truyền thông qua công tác chọn giống từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II với số lượng 1.000 con. Hiện nay, đã tiến hành khai thác cá bột (năm 2014, sản lượng đạt khoảng 25 triệu cá bột) để sản xuất con giống tại đơn vị và cung cấp cá bột cho các cơ sở sản xuất giống tại địa phương và một số tỉnh lân cận… Qua kiểm tra, tỷ lệ ương sống trung bình 17%, cao hơn cá tra giống tự nhiên khoảng 7 – 10%; giá bán trung bình cao hơn cá tra tự nhiên khoảng 40%…
Một số doanh nghiệp chia sẻ, Nhà nước nên có chương trình chọn lọc dài hạn chứ không nên thực hiện chương trình theo đề tài rồi thôi. Bởi, theo kinh nghiệm từ ngành cá hồi Na Uy cho thấy, chương trình chọn lọc gen là tất yếu trong nâng cao chất lượng cá thương phẩm. Bên cạnh đó, chương trình chuyển giao đàn cá bố mẹ do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II tiến hành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, vẫn còn những khuyết điểm nhất định; các trại giống rất quan ngại khi nhận cá bố mẹ về, vì chi phí rất cao, tỷ lệ cá đực lớn, cá chậm lớn, hay bị bệnh tật, tỷ lệ sống thấp…
Cùng đó, nên có quy hoạch, chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí để đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và khôi phục chất lượng con giống, để nông dân có thể thuê mặt bằng sản xuất con giống chất lượng tốt phục vụ người nuôi. Không những vậy, việc vận chuyển con giống cũng cần được quan tâm đúng mức, phải có chương trình đào tạo để nâng cao nhận thức, kỹ thuật… vì chỉ có giống tốt, ứng dụng công nghệ tốt thì mới có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao tỷ lệ sống.
Tags: ca tra giong, nuoi ca tra, nuoi thuy san