Giới thiệu về các quy trình thực hành quản lý tốt trong nuôi tôm
Việc áp dụng BMP sẽ mang lại những lợi ích sau: Giảm thiểu sự xuất hiện của bệnh, cải thiện tốc độ tăng trưởng, giảm bớt chi phí nuôi, cải thiện điều kiện môi trường nuôi và giúp hạn chế tối đa tác động của nghề nuôi lên môi trường xung quanh, đạt được những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, củng cố mối quan hệ với cộng đồng địa phương qua nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi trong việc duy trì sự bền vững.
Nhằm mục đích cung cấp thông tin đến các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu về các quy trình BMP. Sau đây xin giới thiệu một số nội dung quan trọng của quy trình nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh theo BMP như sau:
1. Duy trì mối đoàn kết thông qua việc hình thành nhóm người nuôi/nông dân ở trong xã hoặc các khu nuôi. Lên kế hoạch tập thể các hoạt động nuôi trồng. Cách làm này sẽ giảm bớt khó khăn mà người nuôi đang phải đối mặt.
2. Sử dụng lịch thời vụ phù hợp với các huyện, thành phố hoặc khu nuôi để xác định thời gian thả giống. Tất cả người nuôi phải thực hiện đúng theo hệ thống lịch này để các vụ nuôi thành công về lâu dài.
3. Tháo hết nước khỏi các ao nuôi. Cách này giúp loại bỏ cá mang mầm bệnh, cá ăn thịt và giáp xác từ vụ trước.
4. Nạo vét hết các chất thải hữu cơ màu đen từ nền đáy ao, đặc biệt là các khu vực cho ăn. Các chất thải hữu cơ phân rã từ thức ăn thừa, tảo, sinh/thực vật phù du chết và phân rã, phân tôm chúng giải phóng các loại khí độc như ammonia (NH3) và hydrogen sulfide (H2S) gây stress và làm chết tôm.
5. Phơi khô đáy ao cho đến khi hình thành các vết nứt sâu trong đất. Ánh nắng sẽ làm chết khô tôm, cá và trứng của chúng trong đất. Ánh nắng cũng giúp oxy hóa các chất thải hữu cơ, nhờ đó giảm tác dụng độc hại của chất thải hữu cơ màu đen.
6. Khi lấy nước vào, sử dụng lưới lọc nước hai lớp mắt mịn tại các cửa dẫn nước vào. Cách này giúp tránh sự xâm nhập của các loài cá hoang dã, tôm, cua và các loài động vật khác vào ao. Sau khi lấy nước đầy ao, giữ nước trong vòng từ 10 đến 15 ngày trước khi thả giống. Như thế sẽ ổn định tình trạng nước và làm cho tôm giống thích nghi với điều kiện ao. Nếu trang trại có ao lắng, thì nên giữ nước ở ao lắng trong 7 ngày trước khi bơm nước vào ao nuôi tăng trưởng.
7. Duy trì độ sâu ít nhất 80 cm ở phần nông nhất của ao. Mực nước nông gây stress nặng cho tôm do sự thay đổi nhanh chóng về nhiệt độ và các điều kiện khác của nước.
8. Không sử dụng thuốc trừ sâu, do bị cấm trong nuôi trồng thủy sản. Thuốc trừ sâu sẽ xâm nhập và lưu lại trong cơ thể của tôm trong thời gian dài. Khi tiêu thụ những loài tôm này sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe ở người. Nếu cần thiết, sử dụng saponin với liều 100 kg/ha.
9. Nước bị trong kéo dài sẽ có hại cho vụ nuôi. Nước trong dẫn đến thảm tảo đáy phát triển mà sau một thời gian nhất định nó sẽ chết và giải phóng các loại khí độc trong nước. Do đó cần ổn định sự phát triển của thực vật phù du để nước lên được màu xanh lá cây hoặc màu nâu trước khi thả tôm.
10. Luôn luôn mua tôm giống từ trại giống sản xuất tốt hoặc có chứng nhận. Chọn tôm giống PL12 hoặc lớn hơn. Tổng chiều dài thân nên dài hơn 12 mm. Tôm giống nên chọn đồng đều về kích cỡ và màu sắc, mạnh khỏe và nhanh nhẹn thông qua các phương pháp gây sốc độ mặn hoặc folmol. Tôm giống phải được kiểm tra và cho kết quả âm tính với các bệnh nguy hiểm như virus đốm trắng, đầu, MBV….bằng phương pháp xét nghiệm PCR
11. Độ mặn của nước trong bể giống và nước ao nên giống nhau, không nên chênh lệch hơn 5 ppt. Bao đựng tôm giống cần phải có đủ oxy, khối lượng oxy nên ít nhất nhiều gấp 3 lần so với ở trong nước.
12. Mỗi bao nên chứa khoảng 1.000 PL hoặc 1.000 PL/lít nước. Không đóng gói với mật độ cao. Vận chuyển tôm giống từ trại giống đến các trại nuôi càng nhanh càng tốt, thích hợp là trong vòng 6 giờ.
13. Nên thả tôm giống vào ao lúc thời tiết mát mẻ trong ngày. Thời gian sau 18 giờ hoặc trước 08 giờ. Thả tôm giống ở các khu vực nước sâu trong ao và không thả ở vùng nước nông. Làm cho tôm giống thích nghi với nước trong ao trước khi thả. Để làm việc này, giữ cho các túi giống nổi trong nước khoảng 30 phút để điều chỉnh nhiệt độ, sau đó mở túi ra và từ từ đổ vào một lượng nhỏ nước ao trong khoảng hơn 30 phút tiếp theo rồi mới thả giống vào ao.
14. Trong khi thả giống, nước ao nên có mật độ phù du phát triển tốt và ổn định với màu nước xanh.
15. Luôn sử dụng thức ăn viên chất lượng cao ngay từ ngày thả giống. Không cho ăn thịt sống hoặc luộc, cá, tôm, cua hoặc ốc. Không sử dụng thức ăn gia súc hoặc gia cầm trong ao nuôi tôm. Không trộn bất kỳ loại hóa chất nào, đặc biệt là thuốc kháng sinh với thức ăn. Luôn luôn bảo quản các bao thức ăn ở chỗ khô ráo và tránh ánh nắng để duy trì độ tươi mới. Không sử dụng thức ăn viên cũ và đã bị hư hỏng.
16. Xác định kích cỡ thức ăn viên theo kích cỡ tôm. Khi tôm nhỏ thì sử dụng thức ăn viên cỡ nhỏ. Tăng kích cỡ thức ăn viên khi tôm lớn lên. Lượng thức ăn hàng ngày không nên vượt quá nhu cầu của tôm hoặc bảng cho ăn tiêu chuẩn. Thức ăn thừa mà tôm không ăn hết sẽ phân hủy ở đáy ao và giải phóng các loại khí độc gây stress cho tôm.
Sử dụng khay kiểm tra thức ăn để ước tính nhu cầu thức ăn cho tôm. Kiểm tra tôm 2 giờ sau khi ăn. Nếu đường ruột rỗng thì lại cho ăn. Sử dụng 4 khay kiểm tra cho mỗi ao để đảm bảo độ chính xác tốt hơn trong việc ước tính lượng thức ăn. Trong 60 ngày đầu cho ăn ít nhất 2 lần/ngày và sau đó cho ăn 3 lần / ngày. Rải thức ăn đều khắp ao bằng cách sử dụng thuyền hoặc thiết bị nổi, không chỉ rải ở khu vực gần bờ. Kiểm tra nền đáy ao thường xuyên và tránh cho ăn ở các chỗ có bùn đen và mùi hôi.
17. Cẩn thận khi thay nước. Không thay nước hoặc bơm nước vào trong ao thường xuyên. Không nên thay nước trong tháng đầu tiên. Nếu cần thiết có thể thay nước vào tháng thứ hai nhưng cố gắng giảm thiểu thì càng tốt.
18. Tháo nước khi thực vật phù du phát triển (nở hoa) quá dày, nghĩa là nước có màu xanh lá cây đậm hoặc nước màu nâu sẫm. Khi tháo nước, gây nhiễu động ở phần dưới đáy ao gần cổng thoát nước để bỏ đi các chất thải hữu cơ có màu đen từ trong ao. Không tháo nước hoặc thay nước vượt quá 15 – 30 cm độ sâu của ao trong một ngày. Chỉ lấy nước vào ao khi trong khu vực nuôi không nhiễm bệnh, sử dụng lưới lọc hai lớp có mắt lưới mịn hoặc kích cỡ mắt lưới 300 µm để lọc nước đưa vào ao. Sử dụng vôi nông nghiệp sau mỗi lần lấy nước hoặc thay nước và sau khi mưa, vôi có tác dụng là chất đệm cho nước.
19. Thường xuyên kiểm tra các thông số chất lượng nước: pH của nước nên trong khoảng 7.5 đến 8.5, Độ mặn của nước lý tưởng cho tôm là 10 – 25 ppt, hàm lượng oxy hòa tan (DO) nên trong khoảng 5 – 6 ppm, màu nước nên có màu xanh lá cây hoặc màu nâu cho thấy thực vật phù du phát triển tốt, độ kiềm nên ở mức 100 ppm, NH3 phải thấp hơn 0,1 ppm, H2S phải là 0,1 ppm.
20. Thường xuyên theo dõi sức khỏe và mức tăng trưởng của tôm. Có thể kiểm tra bằng cách lấy 10 – 15 con tôm từ khay thức ăn hàng ngày hoặc quăng chài tôm hàng tuần. Tôm phải sạch với màu sắc cơ thể bình thường, không mất bất kỳ chân hay râu, đường ruột phải đầy.
21. Giữ nhật ký nuôi trong quản lý ao là rất quan trọng. Điều này giúp phân tích kết quả vụ nuôi, nguyên nhân có thể gây bệnh, vv…, ngoài ra để kiểm tra các chi tiêu và thu nhập liên quan đến vụ nuôi, nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong quản lý vụ nuôi.
Đó là một điều kiện tiên quyết trong truy xuất tôm trên thị trường. Nhật ký ao hàng ngày bao gồm thông tin về chi tiết chuẩn bị ao, nguồn giống, chất lượng và thả giống, các biện pháp xử lý đất và nước, thay nước, loại và số lượng thức ăn, các thông số chất lượng nước, thông tin về tình trạng sức khỏe tôm, thông tin thu hoạch, chi phí và thu nhập.
Tags: quan ly tom nuoi, nuoi tom, thuy san